Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thông qua số lượng văn kiện lớn nhất từ trước tới nay
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực, cụ thể đối với các nước, đặc biệt với gần 630 triệu người dân ASEAN. Theo đó, các nước ASEAN cùng với các đối tác đã bàn về những giải pháp cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19 một cách tốt nhất với những biện pháp hết sức cụ thể, mạnh mẽ.
Đó là những biện pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm trong nội khối ASEAN. Trong đó, một sự kiện rất nổi bật là ký kết Hiệp định RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo quốc tế kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 |
“Đây là sự kiện quan trọng không chỉ với ASEAN mà còn quan trọng đối với thương mại toàn cầu với những biện pháp khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng để dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN và các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến để thực hiện tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. “Chúng tôi đã nhất trí nỗ lực hơn nữa thu hẹp khoảng cách phát triển, đưa hợp tác tiểu vùng, đưa các vùng miền xa xôi như Mekong, những tam giác phát triển của ASEAN hội nhập với dòng chảy chung của cộng đồng” – Thủ tướng cho hay.
Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên ASEAN đã tổ chức Thượng đỉnh Phụ nữ ASEAN với sự góp mặt của đông đảo các nhà lãnh đạo nữ trong khu vực và trên thế giới nhằm đề cao vai trò, đóng góp của phụ nữ trong thế giới hậu Covid-19. Trong khuôn khổ kỳ hội nghị, cũng có Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ÁEAN nhằm đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Đặc biệt, với 2.500 doanh nghiệp đã tạo không khí mới cho hợp tác giai đoạn mới sau khi hiệp định RCEP được thực hiện.
Thủ tướng cho biết thêm, trong nhiều năm qua, quan hệ đối ngoại đã trở thành bộ phận quan trọng trong hợp tác ASEAN. Đặc biệt lần này, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác đã thảo luận một cách khách quan, trách nhiệm, hợp tác và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, thể hiện một lần nữa hình ảnh năng động, tinh thần kết nối gần gũi, thân ái của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN.
Lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác. Nơi tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hội nghị Đông Á lần này lấy mục tiêu dùng đối thoại làm công cụ với hợp tác là phương châm, sau 15 năm hình thành và phát triển, đã thống nhất cần nâng tầm trao đổi về các vấn đề liên quan tới hòa bình và ổn định của khu vực rộng lớn nhất thế giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế liên quan đến Hiệp định RCEP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hiệp định tạo ra thị trường có quy mô GDP hơn 26.000 tỷ USD, dân số 2,2 tỷ người, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Xác định tầm quan trọng như vậy, các nước ASEAN đặc biệt đã thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng là ký hiệp định này.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia RCEP và sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện để Ấn Độ tham gia một cách thuận lợi nếu Ấn Độ thấy điều đó là cần thiết.
“Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, mở ra những con đường mới cho ASEAN và nâng tầm hợp tác với các đối tác để cùng hợp tác, cùng phát triển hòa bình, thịnh vượng trong thời gian tới.” – Thủ tướng khẳng định.