Hoạt động đối ngoại là điểm sáng trong thành tựu chung
Bên cạnh đó, là xuất hiện trào lưu rũ bỏ các cam kết đã có và nhìn nhận lại cơ chế đa phương. Dù vậy, Việt Nam cũng như đông đảo các quốc gia khác vẫn đang phát triển dựa trên các cơ chế đa phương, định chế đã sẵn có này. Việt Nam tiếp tục mở rộng và nâng cấp quan hệ với một số nước. Đây không phải điều dễ dàng trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó khăn phức tạp, Phó Thủ tướng cho hay.
Minh chứng cho điều này là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao chúng ta đến các nước vẫn được mở rộng, đặc biệt là chuyến thăm đến các nước quan trọng. Ngược lại, số lượng lãnh đạo, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam cho thấy xu thế tiếp tục mở rộng và nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và một số nước. Đây là điều không phải dễ dàng trong bối cảnh hết sức phức tạp như đã nói ở trên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
“Năm 2018, chúng ta tập trung hướng đối ngoại vào châu Âu, trong 28 chuyến thăm lãnh đạo cấp cao đi các nước thì có 13 chuyến tới châu Âu. Năm 2019, chúng ta tiếp tục và có trọng điểm làm sâu sắc thêm quan hệ của chúng ta với một số nước quan trọng trên thế giới, đồng thời, mở rộng quan hệ với các nước khác”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm: “Năm 2019 cũng sẽ có rất nhiều đoàn vào thăm Việt Nam. Cho tới thời điểm này, nhiều nước đã đề xuất thăm Việt Nam, thậm chí số lượng cao hơn năm 2018 là khoảng 33 đoàn. Điều đó cho thấy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước tiếp tục được củng cố”.
Về tình hình Biển Đông, theo Phó Thủ tướng, đây vẫn là vấn đề quan tâm hết sức lớn không chỉ của chúng ta, các nước trong khu vực mà còn các nước ngoài khu vực vì bất cứ vấn đề gì xảy ra đều tác động đến môi trường hòa bình an ninh, tự do hàng hải, giao lưu thương mại trên khu vực.
Phó Thủ tướng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là Biển Đông là mối quan tâm chung và không tiến hành các hoạt động gây xung đột ở khu vực vì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
"Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế và hoan nghênh sáng kiến đóng góp vào duy trì môi trường hòa bình ổn định ở Biển Đông", ông Phạm Bình Minh nói thêm.
Khái quát về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn lại lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao 30 vào tháng 8/2018, đó là, hoạt động đối ngoại là điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước.
“Năm 2019 là năm đầu tiên chúng ta triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện ở chỗ đi sâu, tích cực chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương, đưa ra những sáng kiến, đề xuất đáp ứng được sự quan tâm chung của các nước và phù hợp với lợi ích của Việt Nam”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo tham dự WEF ASEAN 2018 |
Để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện mà Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, cuối tháng 12/2018, Uỷ ban quốc gia về ASEAN đã chính thức thành lập. Với kinh nghiệm tổ chức thành công các Hội nghị như Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018…, Phó Thủ tướng tin rằng, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực hơn trong vai trò Chủ tịch của ASEAN năm 2020.
Về việc Việt Nam đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), dự kiến bầu cử diễn ra vào tháng 6 tới, Phó Thủ tướng khẳng định: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ. Nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Sau 10 năm, các nước tiếp tục đặt tin tưởng ở mức cao hơn, kỳ vọng cao hơn về vai trò của Việt Nam. Điều đó vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với chúng ta.
Việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ có nghĩa chúng ta không được chỉ quan tâm tới vấn đề của chúng ta, vấn đề của khu vực mình mà phải tham gia vào vấn đề toàn cầu, có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, nhất là về an ninh, hòa bình, chiến tranh...”.