Hà Tĩnh: Bán lẻ và dịch vụ giảm 14,4%
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng hai ước đạt gần 3.561,6 tỷ đồng, giảm 14,4% so với tháng trước.
Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Vinmart (TP. Hà Tĩnh) |
Xét theo ngành hoạt động, một số mặt hàng giảm mạnh so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm đạt 1.368,81 tỷ đồng, giảm 20,2%; hàng may mặc 193,27 tỷ đồng, giảm 27,5%; gỗ và vật liệu xây dựng 156,28 tỷ đồng, giảm 17,7%; sửa chữa ô tô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 80,23 tỷ đồng, giảm 19,2%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm cũng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình. Việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Sau Tết Nguyên đán, sức mua của người dân giảm nên thị trường nhìn chung khá trầm lắng. Nhu cầu hàng hóa tập trung chủ yếu vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh...Điều này đã tác động không nhỏ tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị sản xuất hàng hóa trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm H5N1 quay trở lại, tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm; các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn... thiếu hụt nên cần có sự theo dõi, điều hành của cơ quan quản lý trong thời gian tới nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.
Theo dự báo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tình hình kinh doanh hàng hóa sẽ diễn biến khả quan hơn trong thời gian tới do dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Hà Tĩnh tiếp tục có phương án đảm bảo điều kiện cách ly người đến và về từ Trung Quốc, Hàn Quốc và từ vùng dịch khác. Hoạt động mua, bán của người dân trên địa bàn đang dần ổn định trở lại.