Giá thức ăn chăn nuôi đón “sóng” mới
Nhiều doanh nghiệp tăng giá từ ngày 1/4
Ngày 25/3, Công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh tăng tất cả các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn lợn con, bò tăng 400 đồng/kg; thức ăn cho lợn nái, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, dê tăng 300 đồng/kg, thời gian áp dụng cho tất cả các loại thức ăn. Thời gian áp dụng mức giá mới từ ngày 1/4/2022 cho đến khi có thông báo mới.
Giá thức ăn chăn nuôi đón “sóng” mới |
Nguyên nhân của việc tăng giá được đơn vị này đưa ra là do tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có nhiều biến động trong thời gian vừa qua, để ổn định chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp điều chỉnh giá bán các sản phẩm TACN.
Ngay sau đó, ngày 26/3, Công ty CP Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long) cũng đưa ra thông báo đến hệ thống đại lý, khách hàng rằng, giá thức ăn cho lợn con tập ăn và đậm đặc các loại tăng 400 đồng/kg và tất cả các sản phẩm còn lại sẽ tăng 300 đồng/kg.
Trước đó, ngày 24/3, Công ty TNHH TACN Việt Trung (địa chỉ huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn đậm đặc thêm 500 đồng/kg và các sản phẩm thức ăn hỗn hợp tăng 400 đồng/kg.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, kể từ ngày 4/4/2022, công ty điều chỉnh giá bán các sản phẩm chăn nuôi cá với mức tăng từ 250 - 500 đồng/kg.
Như vậy, tính từ cuối năm 2020 tới nay, đây là lần tăng giá thứ 11. Trước đó, đại diện Bộ NN&PTNT mới đây kêu gọi doanh nghiệp sản xuất TACN tiếp tục kìm giá bán. Tuy nhiên, đây được xem là bài toán khó đối với các doanh nghiệp bởi giá nguyên liệu ngày một tăng trong khi nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa thể đáp ứng mà phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết, tháng 3/2022, giá các loại nguyên liệu TACN đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc với mức tăng từ 23,1% đến 49,5% tùy loại.
Hiện giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 tăng đáng kể, cụ thể ngô khoảng 11.000 đồng/kg, cao hơn so với mức giá ghi nhận trong tháng 3/2022 là 10.200 đồng/kg; khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg, cao hơn mức giá ghi nhận trong tháng 3/2022 là 16.500 đồng/kg. Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá TACN tăng theo. Hiện, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, giá thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg, tăng 24,5%; thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg, tăng 29,8%.
Kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu
Chi phí TACN chiếm 65-70% giá thành sản xuất. Giá TACN tăng phi mã là thách thức lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay. Thịt và trứng thì phải bình ổn giá, trong khi giá TACN và nguyên liệu đầu vào tăng quá cao khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.
Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và cả doanh nghiệp không tham gia chương trình bình ổn đã có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán bắt đầu từ ngày 1/4. Việc phải điều chỉnh tăng giá bán theo các doanh nghiệp là không thể tiếp tục “gồng mình” giữ giá trước áp lực các chi phí đầu vào liên tục tăng cao.
Ngày 31/3, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố và áp dụng từ ngày 2/4. Theo đó, giá bán thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với năm 2021.
Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6 - 7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng). Ngược lại, mặt hàng thịt lợn vẫn giữ giá bán lẻ như năm 2021 với thịt lợn đùi 104.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt cốt lết 125.000 đồng/kg...
Giá TACN tăng mạnh không chỉ là thách thức đối với nông hộ mà với cả các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Theo các doanh nghiệp sản xuất TACN, mặc dù cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với lúa mì từ 3% xuống còn 0% và ngô từ 5% xuống 2% nhằm giảm gánh nặng chi phi đầu vào.
Tuy nhiên, mức giảm này không đủ để hạ nhiệt chi phí sản xuất TACN. Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus - cho biết, việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất TACN giảm 0,5 - 1%.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát - cho biết, thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất TACN có giảm nhưng thời điểm hiện nay giá nguyên liệu vẫn đang tiếp tục tăng cao, khó đoán định. Vì vậy, Hòa Phát kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đề xuất với Chính phủ giảm thêm thuế nhập khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo Cục Chăn nuôi, với giá nguyên liệu TACN tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá TACN thành phẩm đã tăng 18 - 22% làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Trường hợp giá nguyên liệu TACN tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, Cục sẽ đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp dài hơi.
Việt Nam mới chủ động được 35% nguồn nguyên liệu cho sản xuất TACN có nghĩa rằng 65% nhập từ nước ngoài. Ông Tống Xuân Chinh cũng thừa nhận, nếu còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, lời giải bài toán giá TACN tăng, trong khi đó giá lợn hơi đang dưới mức giá thành sẽ vẫn là một ẩn số.
Nhằm giảm sự phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất TACN và cả các doanh nghiệp chăn nuôi đang tính đến phương án tự chủ nguồn cung trong nước.
Ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất TACN của Tập đoàn De Heus. Hiện công ty này đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm TACN trong vòng 2 - 3 năm tới.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất TACN trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu TACN…”, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết.
Rõ ràng, việc hình thành các vùng nguyên liệu TACN ứng dụng công nghệ rất quan trọng, dù không thay thế được hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu nhưng cũng không quá phụ thuộc như hiện nay. Còn trước mắt, việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương là rất cần thiết trong lúc này.