Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi): Nhiều điểm “ngáng chân” doanh nghiệp
Nhiều điểm nghẽn
Tại Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật LĐ (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” diễn ra ngày 18/9, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng LĐ – cho rằng, lợi ích quốc gia sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ khi thông qua Dự thảo Bộ Luật LĐ mới.
Cụ thể, Chính phủ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu do năng lực cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp (DN) Việt. Do các DN này phải gánh thêm những gánh nặng về chi phí nhân công, tăng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí và cơ chế hỗ trợ cho nhiều tổ chức đại diện LĐ tại cơ sở khi Bộ Luật LĐ mới được ban hành theo Dự thảo tháng 8/2019. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước cũng phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm LĐ hàng loạt do nhiều DN không thể trụ nổi dưới những tác động của các quy định trong Dự thảo Bộ Luật LĐ mới.
Chẳng hạn như: Tập đoàn Samsung tại Việt Nam hiện quản lý hàng trăm nghìn LĐ, nhưng với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm, có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho DN cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất. Chính những áp lực này sẽ khiến DN có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác, dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi DN cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động.
Hay đối với ngành dệt may, da giày – những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn đều mang “tính mùa vụ”, thời gian làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay, các máy móc, thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất, hoạt động cầm chừng và khiến cho họ không còn lợi nhuận.
Ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May sông Hồng – cho rằng, “Tay làm hàm nhai, tay ngừng làm, hàm ngừng nhai. Nếu giảm thời gian việc làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần thì các DN sẽ không đủ tiền để chi trả phần lương vượt trội thời gian”.
Hơn nữa, vào mùa vụ thu hoạch/khai thác là thời điểm hầu hết các DN đều thực hiện quá số giờ làm thêm quy định. Theo ông Bùi Đức Thịnh, bất cập hiện hành còn chưa được khắc phục thì nay nếu quy định về thời gian làm thêm giảm 44 giờ/tuần có hiệu lực thi hành thì chắc chắn DN sẽ tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có nhiều hoạt động kinh tế đa dạng, không chỉ lao động đơn giản mà ngay cả LĐ có trình độ cao, có tính kết nối LĐ những khu vực có múi giờ chênh lệch thì nhu cầu làm thêm cũng rất cao. Theo ông Nguyễn Hưng Quang – Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự, việc hạn chế thời gian làm thêm giờ ở những khu vực này sẽ làm ngăn cản khả năng kết nối của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung vào các hoạt động kinh doanh quốc tế.
Cần sửa đổi phù hợp với đặc điểm lao động
Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp theo số liệu tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, thậm chí những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ở trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Do vậy, để phù hợp với các quy định của Dự thảo Bộ Luật LĐ thì NSLĐ của người LĐ phải gia tăng để bù đắp cho các chi phí về tiền lương làm thêm, bảo hiểm xã hội gia tăng. “Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đó là điều mà người LĐ Việt Nam chưa thể làm được” – bà Trần Thị Lan Anh đánh giá.
Ngoài ra, người LĐ Việt Nam ý thức kỷ luật LĐ còn kém. Nếu giả định Dự thảo mới này có hiệu lực và tạo điều kiện cho người LĐ giảm giờ làm, hạn chế thời gian làm thêm, với ý thức kỷ thuật như hiện nay của nhiều người LĐ nông thôn, chắc chắn các DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo sản lượng “đầu ra” và đáp ứng tiến độ của các đơn hàng. Bên cạnh đó, nhiều người LĐ vẫn có nhu cầu mong muốn làm thêm giờ, để họ lo cho bản thân và gia đình.
Do vậy, xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý, phù hợp với hiện thực khách quan, đặc biệt là thực trạng nguồn nhân lực và chất lượng LĐ Việt Nam.
Trong số các quy định mới của Dự thảo, một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người LĐ và DN nói riêng là: Không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn. |