Thứ tư 01/01/2025 21:29
Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp

Đột phá mới trong đào tạo nghề

Làm thế nào để sinh viên có các kỹ năng nghề cơ bản để sau khi ra trường có việc làm ngay?. Để giải bài toán này, Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp đã đưa ra giải pháp “Xây dựng mô hình liên kết giữa nhà trường và DN”.
Một giờ thực hành của sinh viên

Theo lãnh đạo nhà trường, mô hình liên kết giữa nhà trường và DN đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình đào tạo. Những năm gần đây, trên 90% học sinh, sinh viên của trường tốt nghiệp đều có việc làm ngay và đáp ứng khá tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, số lượng tuyển sinh của trường cũng tăng lên rõ rệt. Năm học 2016 - 2017, số lượng tuyển sinh mới của trường đạt trên 800 học sinh, sinh viên. Hứa hẹn sau 3 năm đào tạo, những học sinh này sẽ đáp ứng đáng kể nguồn nhân lực nghề đang thiếu hụt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các địa phương lân cận.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, thầy Dương Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của DN” luôn là mục tiêu của nhà trường. Theo đó, thời gian thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên được bố trí từ 60 - 70% thời gian toàn khóa học. Với lợi thế nằm trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp lớn, trường có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình này. Một số DN là đối tác lâu năm của nhà trường cũng là những đơn vị được nhà trường lựa chọn để thực hiện mô hình liên kết như: Công ty TNHH UMC Việt Nam, Công ty TNHH Uniden Việt Nam, Công ty TNHH Tây Đô Hải Dương, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Công ty TNHH Cơ điện Tự động hóa Thái Hưng… Khi triển khai mô hình, trường sẽ đào tạo về mặt lý thuyết, thực hành cơ bản, các DN, cơ sở sản xuất sẽ là nơi tiếp nhận sinh viên đến thực hành, thực tập. Sau khi ra trường, chính các khóa học sinh, sinh viên này sẽ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt của công ty. “Mô hình khép kín này vừa đảm bảo tính hệ thống trong đào tạo, vừa phát huy tối đa tính linh hoạt trong sự phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” cũng không còn diễn ra nan giải như hiện nay” - thầy Dương Trung Kiên khẳng định.

Theo thầy Kiên, thực chất mô hình liên kết này của nhà trường vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn nhiều điểm cần phải bổ sung và chỉnh sửa, đặc biệt, về chương trình khung và giáo trình. Ban Giám hiệu trường đã chỉ đạo Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm cùng phòng Đào tạo lập kế hoạch tổ chức khảo sát và phối hợp với các DN để xác định nhu cầu của DN. Từ đó thiết kế lại cấu trúc chương trình khung cho phù hợp với nhu cầu của DN. Hoàn thiện được mô hình này là mục tiêu mà nhà trường đang hướng tới.

Mô hình và cơ chế đào tạo liên kết giữa nhà trường và DN vừa mang tính đột phá, vừa phù hợp với xu thế phát triển. Đây là mô hình cần thiết để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho nhà trường hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Bài viết cùng chủ đề: Đào tạo nghề