Đổi mới để mở rộng thị trường Việt Nam- Liên bang Nga
- Thị trường Nga: Những nét khác biệt
Nga là thị trường khá mở với sức tiêu thụ lớn. Hàng năm Nga nhập khẩu các mặt hàng với trị giá kim ngạch từ 250-312 tỷ USD. Dung lượng tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào Nga còn rất tiềm năng. Ví dụ, Năm 2012, Nga nhập sản phẩm các loại thịt 6,45 tỷ USD; thủy sản 1,95 tỷ USD; các loại quả 0,5 tỷ USD; cà phê 0,5 tỷ USD; chè 0,63 tỷ USD, dệt may 7,96 tỷ USD, giầy dép 2,08 tỷ USD, đồ gỗ 3,24 tỷ USD.
Cạnh tranh diễn ra khá gay gắt, các mặt hàng nhập khẩu vào Nga từ nhiều nước trên thế giới. Trong môi trường chính trị thuận lợi, tin cậy với nội hàm đối tác chiến lược toàn diện đã và đang tạo điều kiện tốt cho hợp tác kinh tế -thương mại. Các thành tố của quan hệ kinh tế- thương mại Việt- Nga bao gồm hợp tác thương mại, công nghiệp, đầu tư, du lịch. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Nga đã và đang tiến triển theo xu hướng khá tích cực.
Về hợp tác thương mại, thời gian qua, Nga và Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng mừng, mặc dù kinh tế thế giới còn trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng.Theo số liệu của Hải quan Nga, tổng kim ngạch XNK hàng hóa Nga và VN năm 2012, so với 2011, tăng 20%, đạt 3,66 tỉ USD. Tăng 2,5 lần so với 5 năm trước (2008: 1,43 tỉ USD); 9 tháng đầu năm 2013, so với cùng kỳ năm 2012, kim ngạch XNK Nga và Việt Nam giảm gần 2,2%, đạt 2, 8 tỉ USD. Trong đó, Nga xuất khẩu sang Việt Nam giảm 34%, đat 0,82 tỉ; Việt Nam xuất khẩu sang Nga tăng 21,5%, đạt 1,98 tỉ. Dự đoán, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2013 sẽ đạt gần 4 tỉ USD. Hai nước đang phấn đấu trị giá trao đổi hàng hóa hai chiều đạt 7 tỉ USD đến năm 2015 và 10 tỉ USD vào năm 2020.
Những năm gần đây, xuất siêu của Việt Nam sang Nga đang có xu hướng tăng: nếu năm 2011, Việt Nam xuất siêu 0,6 tỷ USD thì năm 2012, xuất siêu 0,8 tỷ USD và 9 tháng vừa qua con số này đã đạt 1, 16 tỉ USD.
Về hợp tác công nghiệp, giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực năng lượng, cơ khí, đóng tàu, luyện kim, hàng không, công nghiệp nhẹ. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là một trụ cột vững chắc.
Trong hợp tác đầu tư cũng đạt được kết quả tốt đẹp: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng cuối tháng 8 năm 2013, có 92 dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 19 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Nga là nước đứng thứ 3 trong số nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 17 dự án với tổng vốn đầu tư của nhà đầu Việt Nam là 2,4 tỷ USD.
Hợp tác du lịch giữa Nga và Việt Nam cũng phát triển nhanh, mạnh và ổn định. Trong lĩnh vực hợp tác này, hai nước có tiềm năng lớn và có xu hướng phát triển tích cực vào những năm gần đây. Thị trường khách Nga là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Nga chiếm vị trí thứ 4 trong nhóm 10 nước hàng đầu gửi khách tới Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đón 174 ngàn lượt khách Nga, tăng hơn 71% so với năm 2011. Tổng số du khách Nga đến Việt Nam 8 tháng đầu năm 2013 đạt 189,3 ngàn lượt khách, tăng 63 % so với cùng kỳ năm 2012. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón 350 ngàn lượt khách Nga.
Trước sự thay đổi nhanh chóng theo xu thế tích cực của quan hệ kinh tế- thương mại Việt - Nga, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: Chủ động, bám sát việc nghiên cứu thị trường, tham mưu tư vấn cho các bộ, ngành trong nước để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo đà phấn đấu mục tiêu kim ngạch đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Nga. Hỗ trợ hiệu quả, chủ động, tích cực tham gia các phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan (VCUFTA) để kết thúc đàm phán và ký VCUFTA như hai bên đã đặt ra mục tiêu...
Thời gian qua, Ủy ban kinh tế Á- Âu đã tiến hành điều tra tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng vải từ tơ, sợi hóa chất, pha trộn (không pha trộn) phần lớn hoặc hoàn toàn với sợi bông, được nhập khẩu vào lãnh thổ hải quan thống nhất của LMHQ. Với sự hỗ trợ của Thương vụ, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã kịp thời đăng ký là thành viên tham gia điều tra công khai. Cho đến nay, hàng dệt may Việt Nam tại Nga chưa gặp phải khiếu nại gì từ phía LMHQ. Thương vụ và Ủy ban kinh tế Á- Âu duy trì quan hệ chặt chẽ, theo dõi và cùng cơ quan hữu quan giải quyết vấn đề này.
Phạm Quang Niệm - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga