Doanh thu sụt giảm, Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 22 nghìn tỷ đồng
Cụ thể, doanh thu quý cuối năm tăng thêm 1.000 tỷ so với cùng kỳ lên mức hơn 9.200 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động chung vẫn rất khó khăn khi kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp bị âm 1.100 tỷ đồng (cải thiện so với con số âm gần 2.100 tỷ của cùng kỳ).
Các điểm sáng khác là doanh thu tài chính tăng đáng kể 5 lần lên gần 750 tỷ, đồng thời chi phí bán hàng giảm mạnh 45% còn gần 250 tỷ và lợi nhuận khác tăng 35% lên 460 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại chi phí tài chính tăng 10% lên 312 tỷ, phần lỗ từ các liên doanh cao gấp đôi cùng kỳ ở mức 123 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 12% lên 493 tỷ đồng.
Việc mở cửa các đường bay thường lệ quốc tế dự kiến mang lại cơ hội phục hồi đáng kể cho Vietnam Airlines |
Với các biến động trên Vietnam Airlines tiếp tục ghi lỗ trước thuế ở mức 1.076 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm rất đáng kể so với mức lỗ 2.810 tỷ của cùng quý cuối năm 2020.
Lũy kế cả năm 2021, hãng hàng không quốc gia vẫn ghi nhận doanh thu sụt giảm 31% về quanh 28.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 2008 đến nay. Chi phí giá vốn quá cao khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 10.500 tỷ đồng.
Mặc dù có sự tích cực trong các hoạt động tài chính, giảm đáng kể chi phí bán hàng nhưng không thể giúp Vietnam Airlines có sự cải thiện nào. Doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục hơn 13.000 tỷ, trong khi năm liền trước chỉ lỗ gần 11.000 tỷ đồng.
Điều này dẫn đến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán bị âm 21.979 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), ăn mòn gần hết vốn góp của chủ sở hữu.
Việc vốn chủ sở hữu vẫn còn là con số dương hơn 500 tỷ đồng là nhờ hãng bay này được Quốc hội thông qua gói giải cứu lớn. Theo đó công ty thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021, riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng.
Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.
Ngoài biện pháp tăng vốn thì Chính phủ cũng đồng ý cấp gói hỗ trợ tín dụng tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho hãng hàng không lớn nhất cả nước với lãi suất 0%.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ so với đầu năm 2021.
Hiện dịch bệnh được kiểm soát tích cực tại nhiều quốc gia, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.
Việc mở cửa các đường bay thường lệ quốc tế dự kiến mang lại cơ hội phục hồi đáng kể cho Vietnam Airlines sau 2 năm dịch bệnh. Dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè cũng kỳ vọng giúp hãng vượt qua khó khăn sau 3 năm Covid-19.