Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn còn gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan
Ngày 30/7, tại TP. Đà Nẵng, Cục Hải quan thành phố phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với chủ đề “Hải quan và doanh nghiệp: Kết nối - chia sẻ - đồng hành”. Hơn 200 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên trên địa bàn thành phố tham dự buổi đối thoại.
Hải quan Đà Nẵng là 1 trong 2 Cục Hải quan trong cả nước có hoạt động đối thoại, lắng nghe, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp |
6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Đà Nẵng đạt 1,685 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 800,7 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 884,5 triệu USD; hơn 2,5 triệu hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các cửa hải quan; đã có 52.266 tờ khai đã làm thủ tục hải quan. Thời gian trung bình thực hiện thủ tục hải quan cho một lô hàng xuất khẩu là 2 giờ 28 phút (từ khi tiếp nhận tờ khai EDC đến khi có quyết định thông quan/giải phóng hàng); hàng nhập khẩu là 19 giờ 33 phút (từ khi nhận tờ khai IDC đến khi có quyết định); hàng nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành là khoảng 13 ngày.
Theo ông Phạm Đình Vũ - Chánh văn phòng Phòng VCCI, Hải quan Đà Nẵng là một trong hai đơn vị hải quan trong cả nước thực việc đối thoại với doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự đồng hành, chuyển hướng Hải quan từ cơ quan công quyền sang đơn vị phục vụ, chuyển doanh nghiệp từ bị giám sát quản lý sang đối tác cùng đồng hành và phát triển.
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị, vướng mắc, khó khăn đã được doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Cục Hải quan Đà Nẵng. Trong đó, đáng chú ý là việc doanh nghiệp cho rằng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc xác minh các C/O ưu đãi đối với các lô hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể là tần suất xác minh quá nhiều, kể cả với những C/O được cấp điện tử. Lý do yêu cầu xác minh đa phần là do chữ ký không giống với chữ ký mẫu. Trường hợp C/O bị lỗi do đánh máy, hải quan không chấp nhận thì sau khi khách hàng xin cấp mới và thu hồi C/O cũ nhưng số C/O thay đổi thì lại phải tiến hành xác minh trở lại.
Bên cạnh đó, thời gian xác minh C/O là quá lâu (theo quy định của Bộ Tài chính về xác định xuất xứ hàng nhập khẩu là không quá 180 ngày - Cục Hải quan Đà Nẵng thông tin), không biết khi nào có kết quả dẫn đến việc doanh nghiệp phải chịu đóng mức thuế thông thường cho đến khi C/O ưu đãi được xác minh, điều này gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xác minh mã HS |
Một khó khăn nữa cũng được nhắc đến đó là sự thiếu nhất quán trong việc xác minh mã HS. Có nhiều trường hợp ngay tại cùng một chi cục, cùng một loại mặt hàng nhưng 2 cán bộ tiếp nhận khác nhau thì hướng dẫn áp mã HS khác nhau dẫn đến thuế suất khác nhau. Có mặt hàng doanh nghiệp áp mã HS theo hướng dẫn của cán bộ hải quan khi làm thủ tục thông quan (đối với tờ khai luồng vàng và luồng đỏ) nhưng sau đó lại bị bác bỏ bởi các cán bộ hải quan thuộc chi cục hải quan kiểm tra sau thông quan. Điều này khiến các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính dù họ đã áp mã theo đúng hướng dẫn của cán bộ khi thực hiện thủ tục thông quan.
Một số doanh nghiệp cho rằng việc áp mã HS của cán bộ hải quan thường nghiêng về mã HS có mức thuế suất cao hơn để thu thuế cao nhất có thể. Bên cạnh đó, kết quả phân tích, phân loại chậm, doanh nghiệp phải mất thời gian chờ kết quả, trong khi, có trường hợp phân tích phân loại cùng một mặt hàng như 2 lần cho ra 2 kết quả khác nhau.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hải quan cho biết, việc phân loại hàng hóa được quy định thống nhất tại các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, do kỹ thuật phân loại hàng hóa phức tạp, hàng hóa xuất nhập khẩu rất đa dạng nên việc phân loại hàng hóa là một nghiệp vụ khó trong lĩnh vực hải quan. Trên thực tế, nhiều trường hợp vướng mắc Hải quan Việt Nam phải xin ý kiến phân loại từ Tổ chức Hải quan Thế giới nhưng chính các thành viên trong tổ chức này đôi lúc cũng có quan điểm phân loại khác khau cho cùng một mặt hàng.
Bên cạnh đó, Cục sẽ kiến nghị với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm tra sau thông qua đối với các tờ khai luồng đỏ theo hướng không xử phạt đối với những trường hợp này. Cục Hải quan thành phố cũng thừa nhận, do tính phức tạp của công tác phân loại mã số nên đôi khi còn xảy ra tình trạng không thống nhất về phân loại mã số giữa doanh nghiệp với công chức hải quan.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan |
Ngoài ra, còn gần 18 kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực như thủ tục hải quan, giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, chính sách mới…. cũng được doanh nghiệp thẳng thắn đề cập và được lãnh đạo Cục Hải quan trực tiếp trả lời.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng - ông Quách Đăng Hòa - cho biết, việc tương tác giữa Hải quan - doanh nghiệp nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện các chính sách về hải quan, minh bạch hóa các hoạt động hải quan, cải thiện và nâng cao năng lực quản lý nhà nước của hải quan cũng như ý thức tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp.
VCCI Đà Nẵng đã tiến hành lấy ý kiến của hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP. Đà Nẵng gồm doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu (72%), doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (14%), dịch vụ logistics (12%) và đại lý hải quan (2%). Hình thức thực hiện là lấy phiếu khảo sát, đánh giá từ các doanh nghiệp để tổng hợp, phân tích kết quả. Kết quả khảo sát cho thấy, 60% doanh nghiệp đã từng gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hải quan, 98,04% trong số doanh nghiệp vướng mắc hài lòng và đồng ý với kết quả phản hồi của Hải quan Đà Nẵng. |