Thứ hai 23/12/2024 12:20

Điều chỉnh thói quen tiêu dùng để không “tiếp tay” cho hàng giả

Nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, hàng giả chỉ xuất hiện ở những mặt hàng có giá trị cao, nhưng thực tế, từ cục pin, gói muối đến viên thuốc... đều bị làm giả.

Vì sao hàng giả dễ dàng đến tay người tiêu dùng?

Lâu nay, nhắc đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, hàng giả chủ yếu xuất hiện ở những mặt hàng cao cấp, có giá trị lớn; còn hàng tiêu dùng phổ biến, rẻ tiền ít khi bị làm giả. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hiện nay, từ cục pin, gói muối, bột canh, gói mì chính, gói bột giặt, viên thuốc hay đến cả sách... cũng bị làm giả.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những lý do để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do một bộ phận người tiêu dùng dễ "bằng lòng" và thỏa hiệp với hàng giả. Và thực tế "có cầu thì mới có cung", nhiều người tiêu dùng biết là hàng giả, nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua, dù biết người chịu thiệt hại trước tiên là mình.

Tại chợ nhà Xanh, rất nhiều túi xách, giày dép được gắn logo các thương hiệu nổi tiếng, nhưng giá chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chiếc. Ảnh minh họa

Dạo quanh một vòng chợ nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (Hà Đông) hay các cửa hàng "bán đồ hiệu" trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô, người tiêu dùng không khó để bắt gặp những chiếc túi Hermès full box có giá chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/chiếc. Phổ biến hơn, những chiếc giày in thương hiệu Adidas, Nike... hay những chiếc túi xách gắn logo Chanel, LV... có giá chỉ vài chục ngàn nhưng lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Chị Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, các sản phẩm túi xách, quần áo, giày dép... "fake" có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật, hơn nữa những sản phẩm này chưa ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến sức khỏe người dùng nên có thể cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: thực phẩm, mỹ phẩm, nước hoa... thì sẽ tìm và mua hàng chính hãng.

Một thống kê gần đây của Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, có đến 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, là hàng không rõ nguồn gốc, nhưng vì nhu cầu sính hàng thương hiệu, thích làm đẹp, thích giá rẻ, nên rất nhiều người đã chấp nhận và thỏa hiệp với... hàng giả.

"Một bộ phận người tiêu dùng dễ "bằng lòng" với hàng hoá đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng" - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.

Chống hàng giả bắt đầu từ người tiêu dùng

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc người tiêu dùng gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã góp phần dung dưỡng cho các hành vi, các đối tượng vi phạm.

Phân tích quan điểm trên, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cạnh tranh ngay với chính sản phẩm giả thương hiệu của mình, nhưng lại có giá rẻ hơn nhiều lần. Nguy hiểm hơn, hàng giả còn làm mất lòng tin và uy tín của đối tác, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi hàng giả quá nhiều trong nội địa, khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua - bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều” - ông Trần Hữu Linh nêu thực tế.

Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả do Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa nhằm trang bị cho người tiêu dùng những kiến thức để tránh mua phải hàng giả

Do vậy theo ông Trần Hữu Linh, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.

"Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, bên cạnh hoạt động chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc nói không với hàng giả.

Nổi bật trong công tác đó là việc mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội để cung cấp những kiến thức cơ bản cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả của nhiều sản phẩm hàng hóa, từ đó, góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả" - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin và khẳng định, tới đây, Tổng cục sẽ mở cửa thường xuyên Phòng Trưng bày theo tháng, theo quý với những chủ đề, sản phẩm hàng hóa khác nhau, từ đó, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin nhận diện và trở thành những người tiêu dùng thông thái.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Từ năm 2007, Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm làm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái. Đây là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất kinh doanh, hướng tới một thị trường hàng hoá trong sạch, lành mạnh và bền vững.
Khánh An
Bài viết cùng chủ đề: Tổng cục Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Ninh Bình: Một cơ sở kinh doanh điện thoại bị phạt 25 triệu đồng

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 68.280 vụ việc

Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Bắc Giang: Thu nộp ngân sách trên 900 triệu đồng từ xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm

Hoà Bình: Thu giữ gần 1 tấn nội tạng hôi thối khi đang đi tiêu thụ

Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Năm 2024, xử lý 81 đơn vị vi phạm trong kinh doanh thuốc lá

Buôn lậu, gian lận thương mại: Giảm số vụ nhưng tăng trị giá hàng hóa

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tiêu hủy hơn 19.000 đơn vị sản phẩm vi phạm

Lạng Sơn: Tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu là tang vật vi phạm

Hải Phòng: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025