Điện lực Hà Giang: “Cõng” điện lên non
Đường sá là một trong những khó khăn lớn nhất của người thợ điện Hà Giang
- Trong tình trạng “đất với người keo sơn gắn bó”, thiết bị điện mang xuống thôn, bản để lắp đặt cho bà con đồng bào phải đội lên đầu khi qua mỗi con suối, còn trên đường đi dọc theo sườn núi trơn trượt đến xe máy cũng chỉ để dắt. Khó khăn về địa hình, thời tiết là vậy nhưng với sự giúp đỡ về nguồn lực đầu tư của Tổng công ty điện lực miền Bắc và sự chung tay xây dựng phát triển lưới điện nông thôn, đến nay Hà Giang đã có 195/195 xã, phường được sử dụng điện lưới quốc gia.
Gian nan ánh sáng vùng cao
Trao đổi với phóng viên chúng tôi, anh Trần Nam Hà- Giám đốc Điện lực Xín Mần- cho biết: “Các bạn lên vào thời điểm giữa tháng 4 này thời tiết còn thuận lợi, bởi từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là mùa mưa, hiện tượng lũ, đường sá sạt lở thường xuyên diễn ra ở Xín Mần, lúc đó khó khăn còn nhân lên gấp bội”.
Mùa khô ở vùng cao Hà Giang thì rét buốt, còn mùa mưa thì những huyện ở phía Tây đường sá thường xuyên sạt lở, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân và đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện, những “người lính” điện lực nhiều khi phải lội suối, đi bộ cả chục km đường rừng để lắp đặt mới cho người dân cũng như sửa chữa những điểm xung yếu mất an toàn hoặc bị sự cố do thiên tai. Không chỉ khó khăn về thời tiết, ngôn ngữ cũng là một rào cản đối với các cán bộ ngành điện ở đây bởi Hà Giang có 22 dân tộc sinh sống.
Có những thôn, xã mà mỗi mùa mưa đến thực sự là nỗi ám ảnh của người thợ điện, ông Nông Văn Khanh - công tác ở Điện lực Xín Mần nay đã nghỉ hưu - cho biết: Nếu vào mùa mưa, đường sá xuống thôn bản đâu đâu cũng khó đi nhưng ở Thôn Trung Thành, xã Quảng Nguyên là khó khăn nhất. Ngày nắng có thể đi xe máy được, còn ngày mưa, anh em chúng tôi chỉ có thể đi bộ mà những 70km đường rừng núi đó cô. Có đợt tôi đi thu tiền điện, người dân không có tiền trả, trả cho tôi bằng củi, thôi thì đành vác củi về và lấy tiền của mình nộp cho công ty.
Cũng theo anh Trần Nam Hà, nhiều hộ gia đình mỗi tháng cũng chỉ sử dụng hết 2-3 số điện, nhiều hộ phải 2-3 tháng mới có thể in được hóa đơn do sản lượng điện dùng quá ít, những hóa đơn tiền điện từ 2.000 đồng-5.000 đồng thì nhiều lắm. Nên nhiều trạm biến áp (TBA) doanh thu mỗi tháng tiền điện chỉ có từ 500.000-700.000 đồng. Thêm vào đó, ngôn ngữ cũng khiến cho cán bộ ngành điện xuống thôn, bản gặp khó khăn. Hiện tại, phòng giao dịch của Điện lực Xín Mần có chị Tráng Thị Hoa - dân tộc Phù Lá - làm ở bộ phận giao tiếp khách hàng có thể nói thông thạo 8 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc địa phương, nhờ đó nhiều vướng mắc của người dân đã được kịp thời tháo gỡ, mang lại niềm tin cho người dân và cán bộ ngành điện.
Năm 2013, tỷ lệ tổn thất điện năng của toàn tỉnh đạt 6,49%, giảm 0,11% so với kế hoạch được giao. Giá trị điện thương phẩm đạt 220,495 triệu kWh, đạt 102,56% so với kế hoạch năm 2013, tăng trưởng đạt 16,64%. |
"Cõng" điện lên non
Có đồng hành cùng những người thợ điện ở vùng cao khi xuống mỗi thôn, bản mới thấm được nỗi gian truân vất vả của các anh, từ thành phố Hà Giang lên đến Hoàng Su Phì, đường đi với hàng trăm khúc cua tay áo, ruột gan tôi như lộn hết lên, tôi tự nhủ rằng “sắp đến nơi rồi”. Vậy mà khi đến được Hoàng Su Phì, nỗi mệt nhọc đó như tan biến đi, khi có một công nhân trẻ nói rằng có những thời điểm mưa bão phải đi bộ hàng chục km để đến được một TBA sửa chữa do bị sét đánh.
Anh Đặng Văn Thăng- Giám đốc Điện lực Hoàng Su Phì- cho biết: “Năm 2013, chúng tôi có 6 TBA bị sét đánh cháy, 117 cột điện đường dây 0,4 KV và 20 cột đường dây 35 KV bị đổ. Với đặc thù là đồi núi đất lên vào mùa mưa lũ đường sá luôn bị sạt lở, có những trạm mà đường sá đi vào rất khó khăn. Tháng 7/2013 tại TBA xã Bản Phùng- nơi có 95% dân tộc Na Chí sinh sống- bị sét đánh cháy, TBA thay thế được đưa đến. Tuy nhiên, chỉ còn 2km đường rừng xe ôtô không vào được, chúng tôi phải nhờ đến 40 người dân trong xã vừa khiêng TBA vừa dùng dao quắm mở đường nhưng phải mất 2 ngày mới đưa trạm đến được vị trí, anh em chúng tôi phải mang cả thực phẩm, gạo muối đi để nấu ăn phục vụ mọi người”.
Cũng theo ông Thăng, có nhiều hộ dân có tháng không thể in nổi hóa đơn vì sản lượng điện dùng hết hơn 1 kWh, nên đành gộp 2-3 tháng vào mới in hóa đơn. Hiện tại Điện lực Hoàng Su Phì vẫn phải thông qua đại lý để thu tiền điện, mỗi hóa đơn các đại lý thụ hưởng tiền công khoảng 5.600 đồng/hóa đơn tiền điện, còn cao hơn nhiều số tiền điện của nhiều hộ dân sử dụng. Tuy nhiên ở địa bàn miền núi khó khăn, các hộ dân ở cách xa nhau quả đồi, nếu không thông qua đại lý mà sử dụng cán bộ công nhân ngành điện thì tính ra mức lương trả cố định cho công nhân còn cao hơn mức phí trả cho đại lý.
Hiện nay, hệ thống điện lưới áp nông thôn ở Hà Giang được đánh giá là khá đồng bộ và có chỉ số tổn thất thấp so với hệ thống lưới điện nông thôn của các tỉnh phía Bắc và của cả nước. Theo ông Bùi Minh Đại- Phó giám đốc Điện lực Hà Giang, năm 2013, tỷ lệ tổn thất điện năng của toàn tỉnh đạt 6,49%, giảm 0,11% so với kế hoạch được giao. Giá trị điện thương phẩm đạt 220,495 triệu kWh, đạt 102,56% so với kế hoạch năm 2013, tăng trưởng đạt 16,64%. “Có được kết quả đó là ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, chúng tôi tập trung ưu tiên sửa chữa ngay các điểm xung yếu, mất an toàn, thay thế, kiểm định những công tơ cháy, hỏng, không đạt tiêu chuẩn. 100% khách hàng tại các khu vực tiếp nhận đã ký lại hợp đồng với công ty điện lực. Thêm vào đó, những năm qua, công ty không ngừng đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, thực hiện các công trình sửa chữa thường xuyên, sửa chữa các nhánh rẽ đường dây hạ thế mất an toàn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên. Nhờ đó, ở các huyện khó khăn, cán bộ, công nhân viên đều yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Mặc dù 100 xã, phường của Hà Giang đã có điện lưới nông thôn, nhưng với đặc thù địa hình khó khăn, đồi núi nên tại nhiều huyện, thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, có những thôn, bản điện lưới đã về đến đầu thôn, nhưng có những hộ dân ở cách xa vài km cũng không có tiền để kéo dây điện về. Do vậy, “cõng” điện lên non là nhiệm vụ cấp bách nhưng lại còn quá nhiều khó khăn. Mục tiêu trong thời gian tới, Điện lực Hà Giang sẽ đề nghị tỉnh và ngành điện có chính sách hỗ trợ để làm sao 100% thôn, bản sẽ có điện, góp phần thay đổi diện mạo đời sống của bà con vùng biên.
Thu Hường