Đề xuất đưa Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA
Từ ngày 21 đến 25/10, tại TP. Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị lần thứ 8 các quốc gia ký kết Bản ghi nhớ về quản lý, bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng ở khu vực vùng biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (gọi tắt là IOSEA MOS8).
Hội nghị thảo luận các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển các loài rùa biển, các giải pháp chống nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật này |
Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị, đại diện 33 quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận về Tiến độ thực hiện Bản ghi nhớ (MOU); xem xét, rà soát các vấn đề từ Hội nghị IOSEA lần thứ 7; thảo luận về những thách thức và xu hướng trong tương lai nhằm thông qua chương trình làm việc cho giai đoạn 2020-2024 của IOSEA và các nước thành viên; hướng dẫn các hoạt động của Ban thư ký, các quốc gia ký kết và các bên liên quan khác trong thực hiện Kế hoạch quản lý và bảo tồn trong giai đoạn 2020-2024; thảo luận về thể chế, hành chính và tài chính.
Một trong những nội dung của hội nghị đề cập tới là vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển các loài rùa biển, các giải pháp chống nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật này. Rùa biển là một trong những loài sinh vật lâu năm nhất trên trái đất, đến nay, trên thế giới chỉ còn 7 loài rùa biển. Tại vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa biển sinh sống, đó là: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng, và Rùa da. Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đã được đưa vào Danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như danh mục các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, thường được gọi là Sách Đỏ (Redlist) của thế giới (năm 2000) và Sách Đỏ Việt Nam ở các mức độ nguy cấp khác nhau.
Nhiều loài rùa biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó, một phần nguyên nhân đến từ rác thải nhựa |
Theo kết quả nghiên cứu do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER), số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019. Hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể /năm), chủ yếu thuộc loài rùa Vích. Hiện Rùa biển tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu của IUCN cho thấy rùa Đồi mồi và rùa da tại khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam hiện đã biến mất.
Để tăng cường việc quản lý, bảo tồn các loài rùa biển nguy cấp, quý, hiếm và là một phần không thể thay thế của các hệ sinh thái biển, Chính phủ Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về bảo tồn rùa biển như Bản ghi nhớ về Bảo tồn và quản lý các loài rùa biển và môi trường sống của chúng tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (năm 2001); Bản ghi nhớ về Bảo tồn và bảo vệ rùa biển tại Đông Nam Á (năm 2012); Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (năm 1994). Bên cạnh đó, ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đặc biệt đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong đó có các loài rùa biển.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, với tư cách là quốc gia ký kết Bản ghi nhớ IOSEA, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ rùa biển nói riêng và các loài thuỷ sinh nguy cấp, quý hiếm nói chung.
Hẩu hết lượng rùa đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (Ảnh của Vườn quốc gia Côn Đảo) |
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ đề xuất đưa Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA (IOSEA Marine Turtle Site Network) và báo cáo tại phiên toàn thể để các nước thành viên xem xét thông qua. Đây là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, và bảo tồn rùa biển nói riêng trong thời gian qua. Khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình bảo vệ loài thuỷ hải sản nguy cấp, quý hiếm, chống khai thác IUU và hướng tới khai thác hải sản bền vững và có trách nhiệm.