Thứ bảy 23/11/2024 06:32

Để sản phẩm Việt chinh phục thị trường Australia

Australia là thị trường tiềm năng, tuy chỉ có 24 triệu dân, nhưng có nhu cầu nhập khẩu nhiều hàng hóa; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 600 tỷ USD/năm. Đây là cơ hội cho hàng Việt Nam chinh phục thị trường này.

Kim ngạch xuất khẩu duy trì tăng trưởng

Là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Australia trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm, trong đó năm 2017 tăng 22,1%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Australia đạt 3,3 tỷ USD, tăng gần 615 triệu USD, tương đương 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự đóng góp chủ yếu từ một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm từ sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… Dự báo, năm 2018, kim ngạch XK từ Việt Nam sang Australia sẽ tăng trưởng hơn 20%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Máy móc, thiết bị là những mặt hàng đóng góp lớn vào tăng kim ngạch xuất khẩu

Các Hiệp định thương mại tự do giúp quan hệ thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, giai đoạn thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 9,89%/năm, cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi hiệp định (2,04%/năm). Quan hệ thương mại giữa hai nước được kỳ vọng tiếp tục tăng cao sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Đặc biệt, cùng với lợi ích từ giảm thuế, Hiệp định CPTPP sẽ còn đem lại nhiều lợi ích khác. Cụ thể, Việt Nam và Australia đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm 11 nước nên sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương; các quy định về minh bạch hóa, thuận lợi hóa thương mại, hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Australia; các quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) sẽ thu hút đầu tư từ Australia vào Việt Nam.

Đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Australia, ngoài việc tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, thời gian qua, Thương vụ trực tiếp hỗ trợ các DN qua các hoạt động XTTM, cung cấp thông tin và kết nối DN.

Về thông tin, Thương vụ luôn nỗ lực cung cấp những thông tin cần thiết nhất để DN có thể hiểu về thị trường, từ đó có kế hoạch thâm nhập thị trường hiệu quả nhất. Các thông tin này đều được xuất bản thành sách điện tử để DN tiện tra cứu. Trong 3 năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã xuất bản 14 cuốn sách cả tiếng Anh và tiếng Việt để hướng dẫn DN XK vào thị trường Australia cũng như quảng bá một số sản phẩm của Việt Nam.

Ngoài các ấn phẩm nêu trên, Thương vụ vẫn duy trì 2 bản tin/tháng, trong website và facebook của Thương vụ được cập nhật ít nhất 1 tin, bài/ngày về thị trường. Website và facebook tương tác trực tiếp nên ngày càng có nhiều DN tìm đến Thương vụ nhờ hỗ trợ. Điển hình, Thương vụ đã hỗ trợ 1 DN thắng kiện trong vụ việc tranh chấp lên đến hơn 10 triệu USD.

Công tác XTTM cũng được đẩy mạnh. Ngoài việc tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương, tổ chức diễn đàn DN… hàng năm Thương vụ vẫn tổ chức XTTM theo chủ đề như vải, xoài, thanh long, thủy sản. Mỗi chủ đề đều có chiến lược truyền thông bài bản với việc xây dựng phim ngắn, xuất bản sách, tờ rơi bằng tiếng Anh, tổ chức ngày hàng, tuần hàng để quảng bá cho các sản phẩm của Việt Nam… Cùng với những hỗ trợ của Thương vụ, để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh tốt nhất thị trường Australia, tận dụng cơ hội từ hội nhập, DN cần tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường Australia và những ưu đãi mà hàng XK Việt Nam được hưởng trong Hiệp định AANZFTA. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng XK nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Australia, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng XK.

Năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để phía Australia mở cửa cho trái nhãn và tôm tươi nguyên con. Nếu mở được hai mặt hàng này, cùng với CPTPP có hiệu lực, kim ngạch XK của Việt Nam sang Australia sẽ tiếp tục tăng đáng kể.
Nguyễn Hoàng Thúy - Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia

Tin cùng chuyên mục

Ấn Độ tham dự Vietnam FoodExpo 2024 và hoạt động xúc tiến thương mại tại Long An

Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển năm 2024: Gia tăng quan hệ hai chiều trong lĩnh vực logistics

Israel thông báo Hiệp định VIFTA có hiệu lực trong tháng 11/2024

Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại gạo giữa hai nước Việt Nam và Philippines

Liên minh châu Âu công bố danh sách cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nhập từ Việt Nam

Xelex Việt Nam ra mắt mẫu laptop và máy tính bảng Latimer tại thị trường Hoa Kỳ

Đa dạng hóa hàng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Philippines

Không có gạo Việt Nam trong số gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Doanh nghiệp Việt kiều làm 'cầu nối' đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Hàng trăm tấn gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Liên kết Việt - cầu nối đưa hàng Việt Nam dần tiếp cận chuỗi phân phối tại Bỉ

Xuất khẩu thủy sản duy trì thị phần tốt tại Singapore

Tình hình kinh tế Gambia và quan hệ thương mại với Việt Nam

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Senegal

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 56,3 triệu tấn

Tuần hàng Việt Nam tại Pháp - nền tảng để doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu tại châu Âu

Algeria cấm nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép

Senegal thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm

EU thay đổi quy định kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu