Đầu xuân đi chợ Âm Dương (Bắc Ninh) cầu phúc
Tết Nhâm Dần năm nay, tỉnh Bắc Ninh chính thức phục hồi lại chợ Âm Dương tại làng Ó xưa, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh. Ông Nguyễn Xuân Hùng - trưởng khu Xuân Ổ cho biết, chợ Âm Dương diễn ra theo quan niệm dân gian để người đã mất gặp lại người thân, người quen trên trần gian, để người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi.
Chợ đêm nhưng không có chút ánh sáng nào của đèn điện, chỉ ánh nến hiu hắt |
Còn chiếu theo tài liệu lưu giữ, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó, sinh ra chợ Âm Dương.
Trong khung cảnh tối om như mực, ánh nến le lói là thứ duy nhất dẫn lối người đi chợ |
Cái lạ ở chợ Âm Dương là người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Trong khung cảnh tối om như mực, ánh nến le lói ở từng gian hàng là thứ duy nhất dẫn lối người đi chợ. Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng, người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi nên những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác… Theo ánh nến hiu hắt, người đi chợ sẽ được đưa tới các gian hàng bán rượu, cau, trầu, hàng mã, hương... hoặc những sản vật nông nghiệp như cà rốt, cà chua, quả gấc, đu đủ... để cầu may mắn, nhưng tuyệt đối không mặc cả, và thay vì đưa tiền cho người bán, người mua sẽ thả tiền vào chậu nước. Vì thế, tuy cả dòng người đổ về chợ nhưng không ồn ã mà chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ.
Chị Trần Thu Hải ở phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh cho biết, chị về làm dâu ở Xuân Ổ gần 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên đi chợ Âm Dương. “Tôi cũng nghe bố mẹ chồng kể nhiều về chợ có 1 không 2 này nhưng chưa tới, vì một phần nghe qua cũng hơi sợ, phần là thực tế năm nay chợ mới được phục hồi lại sau rất nhiều năm chỉ là câu chuyện trong huyền thoại”.
Bà Nguyễn Thị Hiền – mẹ chồng chị Hải năm nay đã 87 tuổi. Bà là con gái chính gốc làng Ó, nhưng từ bé đến giờ bà cũng chưa một lần đi chợ Âm Dương, cũng như không biết phiên chợ này đầu tiên từ khi nào, chỉ biết các cụ ngày xưa truyền tai nhau cho đến tận bây giờ, và họ luôn coi đó là phong tục tập quán đẹp, là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm, có đi chợ làm việc thiện, việc phúc thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận hòa.
Năm nay, dù thời tiết đêm mùng 4 Tết ngoài trời chỉ 9-100C nhưng rất đông người từ Bắc Ninh, Bắc Giang háo hức về chợ, như để tìm và thưởng thức lại chút giá trị văn hóa của người xưa. Qua 12h đêm, chợ vãn, họ mời nhau uống nước, ăn trầu, rồi hát câu quan họ giao duyên.
Chợ Âm Dương được phục dựng lại ở làng Xuân Ổ |
Theo giới chuyên gia, bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc, trong đó, việc phục dựng lại phiên chợ Âm Dương ở làng Xuân Ổ là tái hiện lại nét văn hóa truyền thống độc đáo và hấp dẫn của vùng quê Kinh Bắc. Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương, mà còn tạo sức hấp dẫn đối với khách thập phương khi được tham dự một hoạt động văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa.
Vẻ đẹp huyền bí và câu chuyện xung quanh phiên chợ có 1 không 2 ở xứ Kinh Bắc đã được lan rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tết Nhâm Dần 2022, rất nhiều người đã cùng nhau về làng Ó để cầu may mắn, bày tỏ nỗi nhớ quê hương và lòng thương nhớ với những người đã khuất. |