Đà Nẵng: Giám sát, kiểm soát chặt chẽ tàu cá để chống khai thác IUU
Toàn bộ các tàu cá tại Đà Nẵng có chiều dài trên 15m, đủ điều kiện vươn khơi đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình |
Hoàn thành viện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá
8 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của các tàu cá Đà Nẵng ước đạt 28.502 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó, chủ yếu là cá các loại (đạt 24.259 tấn, tăng 1,4%), tôm 1023 tấn, thủy sản khác 3.220 tấn….
Thực hiện khuyến nghị của EC về IUU, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tháng 7/2019, TP. Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi.
Từ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương, cùng với việc dần nhận thức việc lắp đặt thiết bị hành trình là điều cần thiết để khai thác thủy hải sản bền vững, các tàu cá tại Đà Nẵng đã nhanh chóng tiếp cận chủ trương và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đi biển. Đến nay, TP. Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên với tỷ lệ lắp đặt 554/609 tàu cá. 55 tàu cá còn lại hoặc đang nằm bờ dài ngày, hoặc tàu đã được cải hoán hoặc có công suất dưới 90cv không đủ điều kiện vươn khơi… nên không thực hiện lắp thiết bị.
Ông Đặng Duy Hải – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, các ngư dân của Đà Nẵng đã nghiêm chỉnh chấp hành 100% về việc thực hiện lắp đặt thiết bị hành trình, các công ty lắp đặt cũng tạo thuận lợi cho chủ tàu về vấn đề thời gian thanh toán thiết bị nên các chủ tàu đều thực hiện nhanh chóng.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ tàu ĐNa 907.17 trú lại phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) được hỗ trợ lắp đặt thiết bị vào tháng 3 vừa qua cho biết: “Tàu tôi dài 19,5m, nên khi nghe thành phố tuyên truyền sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị và miễn phí một năm cước thuê bao, tôi sẵn sàng làm ngay. Vừa chấp hành quy định của Chính phủ, vừa cũng là tốt cho mình và các ngư dân khi ở trên biển. Sau một năm miễn phí, chúng tôi sẽ được thực hiện thanh toán cước theo từng tháng, nếu tàu không đi biển thì không phải thanh toán nên tôi cũng không lo lắng về cước viễn thông”.
“Với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi được vị trí, phạm vi đánh bắt của tàu cá. Đối với những tàu cá có dấu hiệu/nguy cơ ra khỏi vùng đánh bắt hợp pháp thì cơ quan chức năng sẽ phát tín hiệu cảnh báo để tàu cá biết và quay trở lại đúng khu vực được phép khai thác thủy sản”, ông Hải nói.
Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện tốt nhất có thể các khuyến nghị của EC về IUU để cùng cả nước sớm gỡ "thẻ vàng EC" cho thủy sản Việt Nam rộng đường sang EU |
Giám sát chặt chẽ việc ghi chép và báo cáo nhật ký khai thác
Là cảng cá lớn nhất miền Trung, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) được chỉ định là nơi cập cảng cho các tàu khai thác thủy hải sản dài từ 15m trở lên.
Để giám sát chặt chẽ sản lượng và việc thực hiện ghi chép nhật ký khai thác, Ban Quản lý cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang đã tuân thủ nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng bốc dỡ hải sản theo đúng quy định của Luật Thủy sản cũng như các quy định theo khuyến nghị của EC về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Mỗi tàu cá ra vào cảng đều phải thực hiện khai báo thời gian. Ngay khi cập cảng, chủ tàu sẽ phải thực hiện việc khai báo sản lượng khai thác và nộp nhật ký khai thác. Các sổ nhật ký khai thác sẽ được cập nhật và chuyển qua cho văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Từ danh sách các tàu cá, văn phòng kiểm soát nghề cá sẽ tra trên hệ thống giám sát hành trình, dữ liệu hệ thống quốc gia và đối chiếu với danh sách tàu khi thác bất hợp pháp (do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố) để kiểm tra xem tàu cá có tuân thủ đúng quy định hay không. Đối với sản lượng thủy sản hải khai thác, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ giám sát việc bốc dỡ, nếu tàu đảm bảo các quy định, đầy đủ giất tờ, giấy phép khai thác thì sẽ được ký xác nhận nguồn gốc thủy sản. Lượng thủy hải sản được ký xác nhận nguồn gốc được coi như đã được cấp giấy thông hành hợp lệ để các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản chế biến và xuất khẩu sang EU.
Đối với những tàu không thực hiện đúng quy định, không đủ điều kiện bị bị nhắc nhở, nếu vẫn vi phạm sẽ bị lập danh sách để xử lý.
Ông Nguyễn Lại – Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, nếu trước đây nhiều tàu còn lơ là việc ghi và nộp nhật ký khai thác, hay khai báo số lượng khai thác không chính xác thì bây giờ hầu hết các tàu cá đã đều thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu cập cảng cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (tàu ngoại tỉnh). “Để khắc phục hạn chế này, TP. Đà Nẵng đã đưa ra quy định nếu tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ không được phép cập cảng hay xuất cảng”, ông Lại cho hay.
Theo ông Đặng Duy Hải, khó khăn nhất trong công tác giám sát, quản lý chính là ý thức của các chủ tàu, của ngư dân. Mặc dù các ngư dân đã có ý thức và biết đến việc cần thiết phải tuân thủ các khuyến nghị của EC về IUU tuy nhiên việc thực hiện đúng theo quy chuẩn vẫn chưa được tuyệt đối. Thành phố vẫn đang thực hiện song song tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp xử lý vi phạm. “Chúng tôi kỳ vọng đến hết quí 3/2020, hơn 90% tàu cá sẽ chấp hành tốt tất cả các khuyến nghị của EC về IUU. Đà Nẵng vẫn nỗ lực triển khai nhằm chống khai thác IUU, với mục tiêu phát triển nghề cá có trách nhiệm, vì nghề cá thương mại sắp tới, phải thực hiện thì mới có thể bán được sản phẩm ra với các nước, có tiếng nói trên thương trường quốc tế và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của mình”, ông Hải nhấn mạnh.