Đà Nẵng: Đến năm 2030 sẽ xây dựng được 300 trạm sạc ô tô điện
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3. Trong đó, đối với loại trạm sạc cấp 1, cấp 2 (sạc xoay chiều – AC) chủ yếu do người sử dụng ô tô điện tự trang bị tại nhà. Đối với trạm sạc cấp 3 (sạc một chiều – sạc nhanh 1 chiều, có thể tích hợp trụ sạc có thể phục vụ cả 3 cấp sạc cùng lúc), vị trí đặt các trạm sạc lần lượt Hải Châu 5 điểm, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn mỗi quận 3 điểm, Cẩm Lệ 2 điểm, Hòa Vang và Liên Chiểu mỗi nơi 1 điểm.
Trạm sạc ô tô điện sử dụng năng lượng mặt trời tại TP. Đà Nẵng do EVNCPC lắp đặt và bàn giao cho PV Oil đưa vào vận hành hồi tháng 7/2020) |
Đến năm 2030, xây dựng được 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Vị trí đặt trạm sạc cấp 3 lần lượt là quận Hải Châu 15 điểm sạc, Ngũ Hành Sơn 12 điểm sạc, Sơn Trà 7 điểm sạc, Liên Chiểu 5 điểm sạc, Thanh Khê và Hòa Vang mỗi nơi 4 điểm sạc và quận Cẩm Lệ 3 điểm sạc.
Để thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện trên địa bàn, Đà Nẵng khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện phục vụ tại các sở ban ngành thành phố phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện.
Cùng với đó, sẽ đề xuất áp dụng quy định “hỗ trợ lãi suất đối với các dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo” để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc ô tô điện. Kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc có chính sách khuyến khích hỗ trợ để thực hiện đầu tư trạm sạc xe ô tô điện tại các trụ sở công (trung tâm hành chính, bệnh viện,….).
Thành phố cũng có kế hoạch để phát triển nguồn nhân lực là những cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống giám sát trạm sạc trên địa bàn thành phố; kịp thời ngăn chặn, phòng chống và khắc phục nhanh các cuộc tấn công vào hệ thống quản lý, vận hành, giám sát trạm sạc trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về lĩnh vực xe điện, đã triển khai thành công mạng lưới trạm sạc từ các nước có quan hệ hợp tác truyền thống với TP. Đà Nẵng; các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chủ động hợp tác, liên kết mở ra các chương trình đào tạo, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực ô tô điện; triển khai giới thiệu chương trình đào tạo, giới thiệu về xe điện, trạm sạc, công nghệ sạc cho xe điện….
Ngoài ra, Đà Nẵng còn đưa ra các giải pháp cụ thể về nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, hợp tác phát triển; giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng sạch cho phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường.
Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ phụ trách công bố Đề án "Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố" được phê duyệt; tuyên truyền, tổ chức hội thảo thông tin các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc sử dụng ô tô điện, góp phần xây dựng thành phố môi trường. Tham mưu UBND TP. Đà Nẵng trong việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển ô tô điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc trên địa bàn TP. Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng định hướng thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch…
Ngoài ra, tùy theo nhiệm vụ chức năng của mình, các Sở, ban ngành trên địa bàn TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện đề án theo đúng quy định.