Củng cố quan hệ đối tác chiến lược, mở ra cơ hội phát triển mới giữa Việt Nam - Đức
Cơ hội lớn để thắt chặt quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao, từ ngày 23 - 24/1 tới đây, nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam trên cương vị mới. Trước đó vào tháng 10/2016 ông Frank-Walter Steinmeier cũng đã đến Việt Nam với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao Đức.
Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Ảnh TTXVN |
Như vậy, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, Việt Nam đã đón 2 đoàn nguyên thủ quốc gia nước ngoài thăm cấp nhà nước (Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm 2024 là của Tổng thống Indonesia Joko Widodo), điều này cho thấy Việt Nam, kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho thấy sự coi trọng, đánh giá cao của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên thế giới.
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức; đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư mà hai nước có thế mạnh, tiềm năng.
Dư địa hợp tác còn rất lớn
Chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện sau gần 50 năm thiết lập quan hệ.
Đến thời điểm hiện nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.
Đáng chú ý, Việt Nam và Đức đều là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, việc thực thi EVFTA đã và đang đem lại những cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của EU, đặc biệt là Đức - một trong những thị trường EU quan trọng bậc nhất của xuất nhập khẩu Việt Nam và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Nhờ sức bật của EVFTA, thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu Việt Nam sang Đức có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 - 2020 với kim ngạch xuất khẩu tăng lên gấp 3 lần từ 2,37 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,64 tỷ USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Đức giai đoạn này là 12,8%.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 11 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Đức khoảng 7,4 tỉ USD.
“Trong khối EU, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu. Điều này một phần là do sức mua của thị trường Đức lớn, phần khác có thể do Đức là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường khác tại châu Âu” - Thương vụ Việt Nam tại Đứcnhận định và thông tin, Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.
Hơn nữa, với việc Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA (vốn được thiết kế theo tiêu chuẩn EU), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể hạn chế được phần nào các nguy cơ/rủi ro đến từ góc độ người tiêu dùng châu Âu.
Đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Đức, hơn 3 năm trở lại đây, nhờ sức bật của EVFTA, thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỉ USD, nằm trong số 3 nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, đứng thứ 18 trong tổng số 143 nước đầu tư vào Việt Nam.
Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Một số tập đoàn lớn của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Stock… Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler-Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có 37 dự án đầu tư vào Đức với tổng số vốn đăng ký là 283,3 triệu đô la Mỹ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, tin học, bán buôn bán lẻ ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, thương mại...
Hai nước cũng có hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ...
Cũng theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Đức, thời gian qua, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính trong đó có thị trường EU nói chung và thị trường Đức nói riêng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất, xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao để xuất khẩu đi các thị trường phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm...
Trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo, ngày 13/11/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Đức cũng là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, quốc gia này đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) và hợp tác tài chính bao gồm 40% viện trợ không hoàn lại và khoảng 60% tín dụng ưu đãi.