Củng cố các quy định chống hành vi làm giàu bất chính
Bà Catherine Phuong - Trợ lý Ban giám đốc/Trưởng phòng Quản trị và tham gia của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, hành vi làm giàu bất chính là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thực hiện kiểm soát các nguồn thu nhập, tài sản hình thành gia tăng bất bình thường của các cán bộ, công chức… mà không giải thích được nguồn gốc. Do đó, cần củng cố các qui định tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi để kiểm soát có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải tập trung mạnh vào các quy định phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu công; tính liêm chính trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp; trách nhiệm hình sự của pháp nhân có liên quan tới hành vi hối lộ (đưa, nhận và môi giới hối lộ); đảm bảo công bằng trước pháp luật của cá nhân, tổ chức.
Ảnh minh họa |
Dự kiến trong chương trình nghị sự của kỳ họp đang diễn ra (khai mạc sáng 22/10/2018), Quốc hội sẽ thảo luận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo và thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung. |
Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam ghi nhận, chính sách phòng chống tham nhũng của Việt Nam so với Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC) đã có những đổi mới rất tích cực về việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát mâu thuẫn về lợi ích; khuyến khích phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là tài sản, thu nhập phát sinh mà không giải thích được nguồn gốc của cán bộ, công chức, cũng như các biện pháp chế tài nhằm củng cố việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, bà Caitlin Wiesen cũng đồng tình với quan điểm là cần tập trung hoàn thiện, củng cố khung pháp lý về phòng chống tham nhũng đồng bộ với các qui định có liên quan của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi làm giàu bất chính, cải thiện được hiệu lực, hiệu quả thực thi của Luật Phòng chống tham nhũng trong thực tiễn.
Liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, theo bà Catherine Phuong, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam buộc phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về kiểm soát tham nhũng, tăng cường liêm chính trong kinh doanh. Vì vậy, ngoài việc củng cố các nguyên tắc phòng chống tham nhũng đối với khu vực này, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cũng cần lồng ghép các yêu cầu về công khai, minh bạch đã qui định tại các văn bản luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán... Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng pháp luật cần rà soát tổng thể tính thống nhất và phù hợp của các luật chuyên ngành vừa nêu so với Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua và ban hành.