Thứ bảy 09/11/2024 04:34
“Tứ đại gia’’ EU trong hợp tác, phát triển với Việt Nam:

Cộng hòa Liên bang Đức - “Đầu tàu’’ về quan hệ thương mại

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm ký Hiệp định khung hợp tác và 5 năm ký Hiệp định đối tác chiến lược EU - Việt Nam... nổi lên 4 quốc gia  trong số 28 thành viên của EU là CHLB Đức, CH Pháp, Hà Lan, Vương quốc Anh và Bắc Ai Len luôn đi đầu trong quan hệ hợp tác và phát triển với Việt Nam (căn cứ vào kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đăng ký đầu tư).

Hãng xe sang Mercedes - Benz hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam - Ảnh: Hà Giang

Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức là quốc gia đông dân nhất EU (gần 82,5 triệu người) và đứng thứ 2 về diện tích lãnh thổ (357.021 km2). Với vị thế địa chính trị và tiềm lực kinh tế riêng, quốc gia này luôn chiếm vị trí “đầu tàu” trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Là quốc gia đông dân lại nằm giữa lòng châu Âu, CHLB Đức có 3.757 km biên giới chung với 9 nước láng giềng: Pháp, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ và Luxemburg. Đức cũng là nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá trị GDP hằng năm chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2011, quy mô của nền kinh tế Đức đạt 3.340 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 39.614 USD. Là thành viên của G8 từ năm 1975, nền công nghiệp Đức phát triển hàng đầu thế giới với các lĩnh vực chủ yếu là: chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, hóa chất, kỹ thuật điện và điện tử với những tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như: Mercedes-Benz, BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemes AG, Deusche Bank… Tuy nhiên, trụ cột của nền kinh tế Đức lại là các công ty có quy mô nhỏ và vừa thu hút khoảng 20 triệu lao động thường xuyên.

Bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp cũng chiếm một vị trí quan trọng của nền kinh tế Đức. Phần lớn diện tích đất đai của quốc gia rộng thứ 2 châu Âu được dành cho phát triển nông nghiệp. Trong đó, vùng bờ biển phía bắc là nơi phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa, ngựa; vùng ven chân núi Alps tập trung chăn nuôi lợn, bò, cừu và gia cầm; còn vùng đất màu mỡ phía nam thích hợp cho việc gieo trồng khoai tây, củ cải đường, lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc, nho... Không phải ngẫu nhiên, Đức cũng là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu sữa, chế phẩm sữa và thịt gia súc nhiều nhất thế giới. Các sản phẩm từ thành quả chăn nuôi và trồng trọt của Đức được điều tiết bởi chính sách nông nghiệp của EU...

CHLB Đức xác định xuất nhập khẩu là động lực quan trọng hàng đầu của cả nền kinh tế. Trong nhiều thập kỷ cuối của thế kỷ XX, Đức luôn là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới với khoảng 1.120 tỷ USD/năm và chỉ chịu nhường lại ngôi vị này cho Trung Quốc từ năm 2009. Tương tự, quốc gia đông dân nhất châu Âu này cũng trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc với quy mô gần 1.000 tỷ USD/năm.

Với vị thế là quốc gia xuất nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, Đức là nước đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại toàn cầu. Đồng thời với việc tập trung vào thị trường EU và Mỹ, Đức luôn chủ động trong việc khai thông và mở rộng ra các thị trường mới nổi ở châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Năm 2015, CHLB Đức và Việt Nam kỷ niệm tròn 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1975 - 23/9/2015). Qua 40 năm, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia không ngừng phát triển và ngày càng hiệu quả, thiết thực không chỉ về ngoại giao mà cả về kinh tế, thương mại.

Việt Nam đứng thứ 4 trong 144 quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Đức và thứ 55/144 nước nhập khẩu hàng hóa từ Đức. Với Việt Nam, CHLB Đức là đối tác thương mại số 1 tại EU với 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm vào khối này. Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Đức các nhóm hàng chủ yếu như giày dép, sản phẩm dệt may, cà phê, đồ gỗ gia dụng, thủy sản, đồ da... và nhập khẩu từ Đức máy móc, thiết bị kỹ thuật, ôtô, máy dệt, hóa chất, dược phẩm.

Đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong khối ASEAN, đồng thời nhìn nhận Việt Nam là một thị trường tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, tháng 10/2011, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Angela Markel đã cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, thông qua các mục tiêu, biện pháp tăng cường và ưu tiên hợp tác cho nhiều lĩnh vực. Sau khi trở thành đối tác chiến lược, ngay trong năm 2011, mặc dù Đức bị tác động tiêu cực bởi dư chấn nợ công ở châu Âu, trong khi Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì trao đổi thương mại hai nước lần đầu tiên chạm ngưỡng 6 tỷ USD. Chỉ số đó tiếp tục được duy trì và liên tục tăng trưởng, năm 2012 đạt 6,4 tỷ USD, năm 2013 vượt lên 7,7 tỷ USD và năm 2014 nhích lên 7,8 tỷ USD, tăng 1,4%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 5,180 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2013.

Nếu năm 2006, kim ngạch thương mại song phương Đức - Việt Nam còn dừng ở con số khiêm tốn là 2,3 tỷ USD, đến năm 2010 tăng lên 4,1 tỷ USD. Nhắc lại những dấu mốc đó đủ để thấy rằng, 4 năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan hệ thương mại Đức - Việt Nam đã có bước tiến dài, năm 2014 tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước.

Nói về những thành tựu “đầu tàu” trong quan hệ thương mại CHLB Đức - Việt Nam mà không nhắc đến đầu tư sẽ là không đầy đủ. Tuy nhiên cũng phải nói ngay rằng, khác với quan hệ thương mại, đầu tư của quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Âu với Việt Nam đang còn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của mỗi bên. Cho đến nay, Đức chỉ đứng thứ 23/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 232 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 1,25 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, phân phối, điện. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn nổi danh ở Đức và trên thế giới như: Siemens, Mercedes Benz, Bosch, Bilfinger, Adidas, Braun… đang kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Đáng chú ý, hiện tại Đức và Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm như: Ngôi nhà Đức và xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP.Hồ Chí Minh. Gần đây, Chính phủ Đức cũng đã khẳng định và ủng hộ Việt Nam xây dựng và phát triển Trường Đại học Việt - Đức thành trường đại học tiêu biểu có đẳng cấp trong khu vực. Đây là những điểm nhấn, tín hiệu mới về đầu tư của Đức ở Việt Nam.

CHLB Đức là quốc gia tích cực và đi đầu ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy EU sớm kết thúc đàm phán, ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam. Chắc chắn trong tương lai gần, sau khi EVFTA Việt Nam - EU chính thức được ký kết, cùng với vai trò “đầu tàu” trong quan hệ thương mại EU-Việt Nam lâu nay, đầu tư của Đức sẽ có những bước bứt phá tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của mỗi bên.

Bài 4: Ấn tượng đất nước hoa tuy lip

Bùi Đức Khiêm

Tin cùng chuyên mục

Tận dụng tốt hơn các FTA mang đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam - Chile

Nga tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu máy bay chiến đấu đa năng Su-57E

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Google liệu có thoát hiểm?

Mỹ: Ngành công nghiệp ô tô thay đổi ra sao sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 8/11: Nga bắt giữ lính tinh nhuệ Ukraine tại Kursk, kiểm soát thêm căn cứ ở Donetsk

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác kinh tế, thương mại vững chắc

Liên minh châu Âu công bố danh sách cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nhập từ Việt Nam

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 7/11/2024: Cuộc xung đột Ukraine sắp tới hồi kết?

Đòn chiến thuật mới từ việc Nga dùng biến thể tên lửa Kh-59

18 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bước ngoặt lớn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 7/11: 30.000 lính Ukraine bỏ mạng ở Kursk; Kiev đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Nga

Thương hiệu thời trang nào của Việt Nam lọt top 10 Đông Nam Á?

Bom GBU-39 trên MiG-29 của Ukraine: Vũ khí uy lực hay chỉ là màn phô diễn?

Phát hiện sự cố phần mềm kiểm phiếu trong ngày bầu cử Mỹ

Thủ tướng Israel bất ngờ sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Sự khác biệt văn hóa Mỹ từ cuộc bầu cử Tổng thống

Bầu cử Mỹ 2024: Những kết quả thăm dò cử tri đầu tiên phản ánh điều gì?

Xe tăng T-80BVM: ‘Lão tướng Nga’ có gì khiến Leopard phải ‘hụt hơi’?

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 6/11: Lính Ukraine xin đầu hàng Nga; Ukraine hạ loạt tên lửa và UAV Nga

Chùm ảnh: Không khí bầu cử Tổng thống Mỹ tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ