Thông tin chiến sự
Ukraine nói hạ 6 tiêm kích của Nga. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, 6 máy bay chiến đấu của Nga đã bị bắn hạ trong 3 ngày.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng vũ trang nước này đã phá hủy 2 máy bay chiến đấu của Nga, gồm một chiếc Su-34 và một chiếc Su-35S.
“Lực lượng bảo vệ bầu trời đã bắn hạ 2 máy bay Nga ở hướng đông, gồm 1 tiêm kích bom Su-34 và 1 tiêm kích Su-35. Trong 3 ngày, quân đội Ukraine đã phá hủy 6 tiêm kích của Nga”, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, cho biết Ukraine đã phá hủy 4 máy bay quân sự của Nga vào cuối tuần qua.
(Ảnh: RIA Novosti) |
Giao tranh trên khắp các mặt trận. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, trong ngày qua lực lượng phòng vệ Ukraine đẩy lùi 53 cuộc tấn công của Nga ở 5 khu vực. Riêng ở tả ngạn sông Dnipro (Kherson), Ukraine đã đẩy lùi 5 cuộc tấn công của đối phương.
Theo Bộ Tổng tham mưu, trong ngày qua có 70 trận giao tranh trên khắp các mặt trận. “Quân đội Nga đã thực hiện 52 cuộc không kích và 72 đợt khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí của lực lượng phòng vệ Ukraine và các khu vực đông dân cư”, quân đội Ukraine thông báo.
Một số diễn biến liên quan
Avdiivka “thất thủ” có thể là bước ngoặt cho Ukraine. Theo CNN, việc quân đội Ukraine mất quyền kiểm soát Avdiivka có thể là một bước ngoặt trong cuộc xung đột và cùng với việc Mỹ đình chỉ viện trợ, điều đó có thể đồng nghĩa với việc thời điểm tồi tệ hơn đã đến với chính quyền Kiev.
Đặc biệt, CNN lưu ý, Hội nghị An ninh Munich đã không trở thành bước đột phá đối với chính quyền Kiev và trong tình hình như vậy “khả năng xảy ra những thay đổi mạnh mẽ trên chiến tuyến là rất thực tế”.
Ngoài ra, những cảnh báo trước đây về hậu quả ở tiền tuyến đối với Ukraine nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục trì hoãn giải phóng viện trợ “đã trở thành hiện thực tàn khốc”.
Cũng theo CNN, việc quân đội Ukraine mất kiểm soát ở Avdiivka mà họ đã nắm giữ trong 10 năm, cùng với những thay đổi trong ban lãnh đạo quân sự và sự thất bại của cuộc phản công, có thể đồng nghĩa là “thời điểm tồi tệ nhất” đã đến đối với Ukraine.
Mỹ lo Ukraine mất thêm nhiều thành phố sau Avdiivka. Tổng thống Joe Biden lo ngại Ukraine sẽ mất thêm nhiều thành phố sau Avdiivka nếu Mỹ trì hoãn viện trợ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Kiev.
“Tôi đã nói chuyện với ông Zelensky và hứa với ông ấy Ukraine sẽ nhận được nguồn tài trợ. Sẽ là vô lý nếu từ chối hỗ trợ Ukraine, khi quân đội của họ đang cạn dần đạn dược”, ông Biden nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Ukraine có thể giữ vững các thành phố khác sau khi đã buộc phải rút khỏi Avdiivka hay không, Tổng thống Biden trả lời: “Không, Ukraine không thể làm vậy nếu không có thêm vũ khí và đạn dược từ phương Tây”.
Nga tố binh lính NATO can dự vào xung đột. Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, đã lên tiếng cáo buộc binh lính NATO đang trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Binh sĩ NATO đã cải trang thành lính đánh thuê để tham gia hỗ trợ Ukraine. Họ phụ trách điều khiển các hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa phóng loạt và thậm chí còn tham gia vào các đơn vị tấn công”, ông Rudskoy nói.
Theo ông Rudskoy, Ukraine đã thực hiện các vụ pháo kích nhằm vào cơ sở quân sự với sự đồng ý ngầm của phương Tây. Ông Rudskoy không tiết lộ cụ thể là binh lính từ quốc gia NATO nào đã xuất hiện ở Ukraine, trong khi Kiev chưa đưa ra phản hồi về thông tin này.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đã có hơn 5.900 lính đánh thuê nước ngoài thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu từ tháng 2/2022.
Đức tăng cường viện trợ pháo cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Đức vào cuối tuần trước cho biết, Berlin sẽ viện trợ thêm 18 cỗ pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine “nhằm tăng cường các khả năng của quân đội Ukraine giữa bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang diễn ra”.
Động thái trên có thể là một phần gói viện trợ quân sự lớn hơn Berlin dành cho Ukraine, trong đó bao gồm các hệ thống phòng không, xe thiết giáp và các thiết bị trinh sát công nghệ cao...
Nga tố Ukraine dùng vũ khí hóa học. Trung tướng Nga Igor Kirillov, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ hạt nhân, hóa học và sinh học của lực lượng vũ trang Nga cho rằng, Washington và Kiev vi phạm điều khoản của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) khi Ukraine sử dụng vũ khí này trên chiến trường.
Ông Kirillov cáo buộc Ukraine đã sử dụng UAV để thả lựu đạn hơi ngạt do Mỹ sản xuất vào ngày 28/12/2023 với hợp chất “CS” - một loại hóa chất được phân loại là công cụ kiểm soát bạo loạn, gây kích ứng mắt, đường hô hấp trên, có thể gây bỏng da, liệt hô hấp và ngừng tim khi sử dụng ở nồng độ cao.
Theo ông Kirillov, Mỹ chuyển những loại vũ khí như vậy cho Ukraine và vi phạm trực tiếp các quy tắc của OPCW.
Canada sẽ chuyển giao hơn 800 UAV đa năng cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair cho biết, nước này sẽ chuyển giao hơn 800 UAV đa năng SkyRanger R70 cho quân đội Ukraine.
Gói viện trợ này là một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 370 triệu USD do Thủ tướng Justin Trudeau công bố trong chuyến thăm Kiev năm 2023.
Theo Bộ Quốc phòng Canada, UAV đóng vai trò quan trọng đối với Ukraine, nhất là trong việc giám sát và thu thập thông tin tình báo, cũng như được sử dụng để vận chuyển vũ khí, đạn dược.