Thông tin chiến sự
Tình hình ở Ukraine rất nghiêm trọng. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, tình hình rất nghiêm trọng và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải có thêm hệ thống phòng không để bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, gói hỗ trợ quân sự của Mỹ vẫn bế tắc tại Quốc hội và hiện chưa rõ liệu khi nào mới đến tay Kiev.
Ngay cả khi viện trợ không bị trì hoãn, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của Ukraine hay không. Kiev đang yêu cầu có thêm nhiều hệ thống Patriot để bảo vệ các thành phố của mình.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua vẫn rất căng thẳng khi hai bên liên tiếp có những động thái mới trên chiến trường. Ảnh: RIA Novosti |
Nga phá huỷ nhiều khí tài hạng nặng của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong ngày qua quân đội nước này gây thiệt hại lớn cho Ukraine (cả về nhân lực lẫn khí tài) ở 131 khu vực khắp chiến trường.
“Lực lượng máy bay tác chiến-chiến thuật và lực lượng tên lửa-pháo binh Nga đã phá hủy 1 trạm radar và gây thiệt hại về nhân lực và thiết bị quân sự cho quân Ukraine tại 131 khu vực khắp chiến trường”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Tại Donetsk, các lực lượng Nga hạ hơn 830 binh sĩ Ukraine cũng như nhiều khí tài hạng nặng của Kiev. Các khí tài này bao gồm: Hệ thống pháo tự hành Krab; pháo L119 và pháo tự hành FH70; pháo tự hành M109 Paladin và pháo tự hành M777; pháo tự hành Msta-B,... cũng như các trạm tác chiến điện tử và trạm radar phản pháo AN/TPQ-50.
Một số diễn biến liên quan
Nga thay đổi chiến thuật. Nga đã thay đổi chiến thuật tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và những tổn thất Kiev đang phải hứng chịu trong các đợt tấn công của Moscow nặng nề hơn trong giai đoạn năm 2022-2023.
Thay vì tiến hành pháo kích trên diện rộng, lực lượng Nga tập trung vào các cuộc tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao vào các nhà máy điện ở những khu vực không có hệ thống phòng thủ vững chắc.
Từ ngày 22-29/3, Nga nhắm mục tiêu vào 7 nhà máy nhiệt điện và 2 nhà máy thủy điện của Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa thể phá hủy các cơ sở năng lượng ở Kiev do Ukraine thiết lập hệ thống phòng không mạnh mẽ tại thủ đô.
Mỹ gửi vũ khí tịch thu của Iran cho Ukraine. Quân đội Mỹ cho biết đã chuyển cho Ukraine hàng nghìn vũ khí và hơn 500.000 viên đạn. Đây là số vũ khí bị tịch thu hơn một năm trước, khi chúng được Iran vận chuyển cho nhóm vũ trang Houthi ở Yemen.
Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), số vũ khí được Mỹ chuyển đến Kiev vào ngày 4/4 "đủ trang bị" cho một lữ đoàn Ukraine. Một lữ đoàn bộ binh thường có 3.500-4.000 quân, song con số chính xác của lữ đoàn Ukraine không được tiết lộ.
Theo CENTCOM, số vũ khí được gửi cho Kiev là hơn 5.000 khẩu súng trường tấn công AK-47, các súng máy, súng bắn tỉa, súng phản lực chống tăng, cùng hơn 500.000 viên đạn.
“Số đạn này bị tịch thu từ 4 tàu ‘không quốc tịch’ bị tàu hải quân Mỹ và tàu của các lực lượng đối tác chặn lại trong khoảng thời gian từ ngày 22/5/2021 - 15/2/2023”, CENTCOM nhấn mạnh.
Quan chức EU lên tiếng khi phương Tây không chuyển Patriot cho Ukraine. Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ thất vọng khi các nước phương Tây ủng hộ Ukraine không thể chuyển thêm hệ thống Patriot cho Kiev.
"Không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi không thể viện trợ hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine", ông Borrell nói.
Theo ông Borrell, quân đội các nước phương Tây có khoảng 100 khẩu đội Patriot, "song vẫn không thể viện trợ 7 khẩu đội mà Ukraine đang tuyệt vọng đề nghị".
Ngoài ra, ông Borrell nói ông sẽ hối thúc các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine khi gặp nhau tại Luxembourg vào cuối tháng 4.
Nga tố Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quân đội Nga cáo buộc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày thứ 3 liên tiếp bằng UAV, nhưng tình báo quân đội Ukraine phủ nhận có liên quan.
"Trung tâm đào tạo đặc biệt của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị tấn công", nhà máy hiện do Nga kiểm soát cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Ukraine đã bác bỏ cáo buộc rằng nước này đứng sau một loạt cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào nhà máy trong 3 ngày qua. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay, các cuộc tấn công này đã gây nguy hiểm cho an toàn hạt nhân.
Mỹ hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống tên lửa Hawk. Mỹ bắt đầu chuyển tên lửa đánh chặn HAWK tới Ukraine vào năm 2022 như một bản nâng cấp đối với hệ thống tên lửa phòng không Stinger vác vai có kích thước nhỏ hơn và tầm bắn ngắn hơn. Kể từ đó, Ukraine đã nhận được một số hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.
Trong bối cảnh xung đột kéo dài, Ukraine đối diện nhu cầu cấp thiết về duy trì hoạt động của hệ thống tên lửa HAWK. Để tăng cường hỗ trợ, Mỹ sẽ bán cho Ukraine số thiết bị trị giá 138 triệu USD để bảo trì và nâng cấp hệ thống.