Thứ tư 01/01/2025 22:15

Chiêm ngưỡng một số bảo vật quốc gia tại Hà Nội

Việt Nam công bố thêm 27 bảo vật quốc gia, trong đó Hà Nội sở hữu một số bảo vật có giá trị quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Đầu rồng thời Trần, niên đại thế kỷ XIII

Đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng.

Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước, má phình rộng, miệng mở to, ngậm ngọc báu, mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S, răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa, mắt to tròn và nổi rõ tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm, thân phủ kín vảy.

Đầu rồng là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII

Súng thần công A9-2782 được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc Khu Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Hiện vật được phát hiện trong các hố có địa tầng ổn định và tin cậy.

Súng thần công thời Lê trung hưng có hình trụ tròn gồm 4 phần: miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm.

Súng thần công được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV. Công nghệ đúc súng của Đại Việt và sau này là Đại Nam đã đạt đến trình độ cao. Các bộ sưu tập thời Lê ngày nay được biết đến chủ yếu có niên đại thời Lê trung hưng, là loại hình súng nhỏ (còn được gọi là súng lệnh), hiếm có loại súng lớn.

Súng Thần công A9-2782 phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho trình độ phát triển của súng thần công Việt Nam thế kỷ XVII.

Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỉ XV - đầu thế kỷ XVI

Những bát, đĩa đồ gốm hoa lam ngự dụng, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long (hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) được đề cử là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công, do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.

Các bảo vật có khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn nhưng đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên các di vật trong bộ sưu tập là giống nhau, bao gồm: đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, đồ án rồng cuộn, đồ án cánh sen, đồ án hoa liên tiền (hay còn được gọi là hoa chanh), đồ án hồi văn.

Đồ án trang trí hình rồng có chân 5 ngón với 5 móng sắc nhọn mang tính biểu trưng cho quyền lực của nhà vua và phản ánh sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo thời Lê sơ, phản ánh giá trị văn hóa tiêu biểu của thời Lê sơ.

Sự khác biệt về hình dáng, cấu trúc của đồ vật gắn với sự chuyển biến về họa tiết hoa văn cung cấp tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của thời Lê sơ.

Do đó, bộ sưu tập bát, đĩa đồ gốm hoa lam ngự dụng, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long là tư liệu có giá trị đặc biệt quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa của Thăng Long nói riêng, lịch sử văn hóa Đại Việt thời Lê sơ nói chung.

Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội) gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 02 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).

Bạch khí có 03 loại theo công năng sử dụng gồm vũ khí đánh gần, vũ khí đánh xa và vũ khí phòng ngự.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ chủ yếu chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công, (mũi tên, súng lệnh được đúc) nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam hiện biết.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV – XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam.

Cho đến nay, đây là sưu tập vũ khí độc đáo, loại hình phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nhất, tập trung nhất, có niên đại thời Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay.

Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII

Thành bậc điện Kính Thiên, thời Lê trung hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên - di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đây là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc Hoàng cung thời Lê. Điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Cặp thành bậc mang niên đại Lê trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc.

Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn 7 khúc hình sin, bụng có vây.

Rồng có 2 chân, chân to, khỏe, 5 ngón chân chiều đốt, 5 móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu; chân sau ở tư thế gấp khủyu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khủyu có lông, lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau. Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.

Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc Hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.

Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796)

"Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi" - bảo vật quốc gia - thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của Nguyễn Ánh với mẹ (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.)

Sách gồm hai tờ, chất liệu bạc mạ vàng, nặng 3,475 kg. Mặt lưng của hai tờ có vết xước. Mặt trước và mặt sau để trơn, bên trong khắc minh văn gồm 254 chữ Hán, nội dung Nguyễn Ánh tấn phong tôn hiệu cho mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Ngọc Hoàn làm Quốc mẫu Vương Thái phi, ngày mùng 7 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 57 (1796).

Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa, kim sách được chế tạo bằng chất liệu quý, bài minh văn khắc dạng chữ khải kích cỡ nhỏ, tinh xảo. Mỗi tờ dày 0,6 cm, gấp khoảng năm lần độ dày của những tờ kim sách khác. "Đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và chắc chắn phải được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, danh tiếng đương thời. Đây là di sản quý giá, phản ánh nghệ thuật đúc, khắc minh văn", hồ sơ viết.

Kim sách được đúc dưới thời Lê Trung Hưng, có niên đại sớm nhất trong số 94 kim sách thuộc sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn. Hiện vật chứa đựng các thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đại đồng thời cung cấp nguồn sử liệu quý giá, phản ánh chân thực, khách quan bối cảnh quyền lực, hoàn cảnh chính trị - xã hội giai đoạn thời Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16/5 năm Đinh Dậu (1897)

Pho tượng An Dương Vương có một lịch sử khá đặc biệt (hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội). Năm 1893, trong khi trùng tu đền Thượng, các cụ làng Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) có đào được tại đền Thượng một kho đồng, nhân dân cho rằng, đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Đến năm 1897 thì đúc xong.

Tượng An Dương Vương được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống, với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp. Các công đoạn, quy trình đúc phức tạp, tỉ mỉ, từ lúc tạo mẫu, dùng sáp ong tạo hoa văn cho đến khi nung khuôn, sửa nguội. Điều khác lạ của tượng An Dương Vương là người xưa đã đúc ngài trong tư thế ngồi trên bệ, hình trụ, không phải trên long ngai như những pho tượng thờ khác, thể hiện sự gần gũi với cộng đồng. Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.

Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", niên đại: Năm 1946

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 được coi là bức tượng Bác Hồ đầu tiên (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tháng 5-1946, bà Nguyễn Thị Kim mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vài tháng.

Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khoảng 10 ngày trực tiếp nặn tượng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ hoàn thành. Bà Kim đổ thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của làng Mọc ở ngoại thành Hà Nội hồi đó được giao đúc bức tượng.

Tượng cao 45cm, nặng 17kg, mô tả Bác đang ngồi tập trung cao độ vào công việc, dáng vẻ ưu tư trên khuôn mặt gầy.

Phương Cúc
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nội