Chia sẻ kinh nghiệm của EU trong thực hiện EPR
Tại hội thảo các ý kiến đều đồng thuận với sự cần thiết quy định và áp dụng trên thực tế đối với EPR. Các chuyên gia thảo luận về các sản phẩm, bao bì thuộc diện thu hồi, tái chế; trách nhiệm của các nhà sản xuất nhỏ; mức chi phí thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất.
Các chuyên gia tham gia hội thảo trực tuyến |
Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải thiết lập cơ chế bảo đảm sự cân bằng giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong kiểm soát và vận hành hệ thống EPR, vì nhà sản xuất không thể tự giám sát được; tuy nhiên, cũng không thể để toàn bộ gánh nặng này lên vai Chính phủ. Vì vậy, các quốc gia châu Âu thiết lập cơ chế phối hợp công tư như Clearing house (một tổ chức tư nhân độc lập) để giám sát hệ thống EPR, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiểm soát hệ thống EPR thông qua Clearing house, tương tự như Văn phòng EPR Việt Nam trong dự thảo Nghị định. Chính phủ có thể thuê kiểm toán độc lập để xác định mức độ chính xác của báo cáo thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Minh bạch và thực hiện trách nhiệm tái chế được các chuyên gia đưa ra với các biện pháp nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong quản lý cũng như những mảng tối trong thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và công chúng, bảo đảm sự vận hành và phát triển lành mạnh của hệ thống EPR.
Các chuyên gia đã đưa ra tỷ lệ tái chế ở châu Âu đối với mỗi loại vật liệu và giải thích về tỷ lệ thất thoát từ giai đoạn tiêu dùng, thu thập, tái chế… đến chôn lấp. Đây là những thông tin quan trọng để thuyết minh cho việc xác định tỷ lệ tái chế ở Việt Nam trình Hội đồng EPR Quốc gia thông qua để thực hiện.
Việc xử phạt đối với trường hợp không tuân thủ, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà sản xuất cũng được các chuyên gia đề xuất áp dụng phạt tiền ở mức cao hơn mức chi phí thực hiện trách nhiệm để thúc đẩy việc tuân thủ như trong thiết kế của dự thảo Nghị định.
Về hạ tầng thu gom, tái chế được các chuyên gia nhấn mạnh là yếu tố quan trọng để thực hiện EPR. Việc tổ chức thu gom và chi trả cho thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom phải được chia sẻ thông qua hợp tác công tư giữa chính quyền địa phương, các tổ chức tái chế bao bì (PRO) và các nhà sản xuất, nhập khẩu.
Theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tới. |