Thứ hai 18/11/2024 08:24

Cảnh giác sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số đơn vị kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã nâng tầm công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng, chống Covid-19…”, khiến nhiều người đổ xô đi mua dẫn đến tình trạng khan hàng, loạn giá.

“Ma trận” xuyên tâm liên

Mặc dù Bộ Y tế đã thu hồi văn bản về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có xuyên tâm liên, nhưng thời gian gần đây, sản phẩm này vẫn không ngừng được nhiều người “săn” mua về dự phòng. Sản phẩm xuyên tâm liên khá đa dạng, từ loại viên nén, viên nang, đến siro, trà túi lọc, loại cao lỏng, loại xịt, thậm chí cả dạng cây đã phơi khô sẵn… với nhiều mức giá tương ứng. Do nhu cầu thị trường tăng nhanh, giá xuyên tâm liên cũng bị đẩy lên cao, mỗi nơi một giá khác. Hầu hết nhà thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội đều thông báo không có hoặc hết sản phẩm xuyên tâm liên.

Không chỉ “hot” ở các hiệu thuốc, ngay trên chợ “mạng” cũng nóng không kém. Tại các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…; mạng xã hội facebook cũng chào nhiều loại sản phẩm xuyên tâm liên, với giá rất đa dạng. Đơn cử, xuyên tâm liên V có nơi giá 65.000 đồng/hộp/20 viên, nơi lại đề mức 90.000 đồng, thậm chí có nơi còn bán 220.000 đồng; xuyên tâm liên cao cấp hơn có giá 560.000 - 900.000 đồng/hộp/30 viên… Hầu hết người bán hàng đều quảng cáo có giấy tờ đầy đủ, lưu hành trên toàn bộ các kênh phân phối.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc

Đặc biệt, một số sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống xuyên tâm liên CV19 có logo T.L (vỏ hộp màu đỏ) và xuyên tâm liên CV19 có logo N.L (vỏ hộp màu xanh). Hai sản phẩm này đều ghi có công dụng: Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, nâng cao thể trạng, giảm ho, tiêu đờm, bảo vệ gan, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp… Thậm chí, xuyên tâm liên CV19 (vỏ hộp màu xanh) còn “nổ” công dụng tăng cường miễn dịch, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp; kháng virus tiềm năng trong điều trị và phòng, chống Covid-19… Đáng lưu ý, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hai sản phẩm trên chưa được công bố và đăng ký với cơ quan chức năng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Trước nhu cầu tăng cao về xuyên tâm liên của người dân, đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19. Đồng thời, không có bất kỳ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Theo chuyên gia về đông y, cây xuyên tâm liên nằm trong nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc được ví như kháng sinh đông y. Từ những năm 60, 70, đã sản xuất ra viên xuyên tâm liên có tác dụng chữa trị cảm cúm, tuy nhiên khi hóa dược phát triển, người dân ít dùng, nên nhiều công ty đã dừng sản xuất. Việc đồn thổi xuyên tâm liên như “thần dược” để chữa trị Covid-19 là chưa có căn cứ đầy đủ.

Nhận được phản ánh tăng giá thuốc xuyên tâm liên bất hợp lý, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh. Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) - cho biết, hiện nay, Tổng cục đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, giá hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19 của xuyên tâm liên. Vì vậy, người dân nên tỉnh táo, không tự ý mua và sử dụng sản phẩm này để điều trị Covid-19.
Tuệ Minh

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập tại Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE tại huyện Sơn Dương

Hà Nội: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả mạo nhãn hiệu

Nghệ An: Ngăn chặn vụ vận chuyển trái phép 16,2 kg pháo

Bạc Liêu - Sóc Trăng: Lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành gần 300 cuộc kiểm tra định kỳ

Cục QLTT Tuyên Quang hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024

Cao Bằng: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa

Thanh Hóa: Phát hiện gần 3.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu với giá trị gần 400 triệu đồng

Sóc Trăng: Quản lý thị trường kiểm tra định kỳ phát hiện 22 vụ vi phạm

Hải Dương: Tiêu hủy gần 100 đôi giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu và gian lận thương mại

Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa 'ghi điểm' với những kết quả nổi bật

Hà Nội: Thu giữ 10.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Nike, Lacoste

Tuyên Quang: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

Hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn phức tạp

Quản lý thị trường Ninh Bình: Triển khai cao điểm dịp Tết Ất Tỵ 2025

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ

Hải Dương: Buộc tiêu hủy gần 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp không rõ nguồn gốc