Cảnh báo lừa đảo vé máy bay mùa du lịch qua Facebook
Tuy không mới nhưng đây là vấn đề xảy ra thường xuyên mỗi khi mùa du lịch tới. Khi mùa du lịch đang đến gần, nhu cầu đi du lịch bằng máy bay của người dân đang tăng cao sau khi đại dịch kết thúc. Cùng lúc đó, nạn lừa đảo vé máy bay lại xuất hiện trở lại với mật độ dày đặc hơn, đặc biệt là qua facebook.
Ảnh minh họa |
Đây không phải là vấn đề mới và Cục hàng không cũng như Bộ Công an cũng đã cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên, người dân vẫn cần chủ động nhận biết những dấu hiệu của lừa đảo để tố cáo lên các lực lượng chức năng và thông báo tới bạn bè, người thân để tránh “tiền mất, tật mang”.
Hầu hết những kẻ lừa đảo đều có chung một thủ đoạn: mở tài khoản facebook ảo, mạo danh phòng vé, câu kéo khách hàng bằng mức giá rẻ hơn từ 50.000 tới 200.000 đồng mỗi vé hoặc có thể rẻ hơn tận nửa giá so với giá cùng thời điểm tại website của hãng bay.
Một ví dụ điển hình về quá trình lừa đảo do nạn nhân thông tin |
Sau khi nạn nhân bị hấp dẫn bởi giá vé siêu rẻ, điều mà khó có thể xảy ra trừ khi hãng có các chương trình khuyến mãi giờ vàng, kẻ lừa đảo sẽ dẫn dắt bằng những chính sách chăm sóc khách hàng tận tình từ A tới Z để khách hàng chỉ cần cầm vé và lên máy bay. Đôi khi bị khách hàng nghi ngờ độ uy tín, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra những hình ảnh chụp màn hình bán vé thành công làm bằng chứng, tuy nhiên rất có thể đó là những hình ảnh của các phòng vé thật.
Một khi những người thiếu kinh nghiệm trong việc mua vé máy bay online mắc bẫy, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển một phần tiền cọc hoặc chuyển khoản toàn bộ tiền vé để xuất vé ngay lập tức cho khách hàng. Hầu hết người mắc bẫy sẽ bị chặn và bị thu hồi hết tin nhắn ngay sau khi chuyển khoản thành công. Trắng trợn hơn nữa, những kẻ lừa đảo sẽ đưa ra những lời lẽ thách thức, thừa nhận bản thân đã lừa đảo.
Bài đăng cảnh báo mạo danh của một phòng vé chính thức |
Kết quả là người dân mất tiền mà chỉ được “ngồi ngắm máy bay cất cánh”, cũng chẳng biết kêu than với ai mà chỉ lặng lẽ nhận lấy bài học cay đắng.
Anh Quốc Đạt, hiện đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội cho biết: “Tôi tham gia một nhóm giao dịch vé máy bay và đã đọc các bài đăng cảnh báo về các hình thức lừa đảo vé nên cũng đã có sự cảnh giác nhất định. Khi đặt vé máy bay qua một thành viên trong nhóm, tôi mua vé thành công bởi đã kiểm tra được mã số đặt vé tại hãng bay V. Tôi đã mua cặp vé với giá bằng với giá trên website nên đinh ninh sẽ không có chuyện bị lừa, người bán cũng có avatar chính chủ và đưa ra bằng chứng của chính người đó. Tuy nhiên, tới trước ngày bay 48 tiếng, người bán bỗng thu hồi hết tin nhắn và chặn tôi trên Facebook. Tôi lên website kiểm tra lại vé thì thấy vé đã bị hủy bởi người đặt. Sau khi tìm kiếm thì tôi đã thấy bài cảnh báo của phòng vé gốc về tên lừa đảo này.”
Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về sự phát triển ngày càng mạnh cả về quy mô và hình thức lừa đảo qua mạng. Nạn nhân có thể bị lừa từ vài triệu cho tới vài chục triệu chỉ vì ham rẻ hoặc bị lừa một cách tinh vi.
Bài đăng cung cấp thông tin của các phòng vé chính thức |
Để phòng tránh cho bản thân và người thân, nhiều ý kiến cho rằng, người dân chỉ nên thực hiện giao dịch qua website chính thức hoặc giao dịch trực tiếp với các phòng vé. Nếu giao dịch qua mạng xã hội, cần có những kiến thức nhất định về việc đặt vé và giá vé, cần tham khảo và kiểm tra kỹ độ uy tín và chính chủ trước khi giao dịch. Người dân cũng có thể cung cấp những bằng chứng cụ thể để trình báo tới cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý.