Cần đẩy nhanh tiến độ Dự án “Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1”
Nội dung trên được ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết trong chuyến khảo sát thực địa Dự án này vừa được thực hiện cùng với đại diện EVN, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, chủ đầu tư và các nhà tư vấn.
Đưa điện từ miền Trung vào miền Nam
Ông Nguyễn Quốc Nam - Phó Phòng Thẩm định Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Nam - thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) - cho biết, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 của Chính Phủ, NPT đã triển khai đầu tư Dự án “Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1”, dự án hiện đang trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo ông Nam, Dự án “Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1” được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng các mục tiêu đảm bảo truyền tải hết công suất tại các nguồn điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên (nhà máy thủy điện, nhà máy điện mặt trời, turbine khí, gió) lên hệ thống điện quốc gia, tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực miền Nam,miền Trung và Tây Nguyên. Dự án còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực.
Đoàn công tác khảo sát thực địa tại một địa điểm đường dây 500kV đi qua |
Theo nghiên cứu của liên danh các nhà tư vấn (gồm Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 - đơn vị làm leader, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4), phần đường dây 500kV Krông Buk -Tây Ninh 1 dự kiến xây dựng trên địa phận các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh. Tuyến chủ yếu đi qua khu vực đồi núi, đi cặp song song với đường dây 500kV Pleiku 2 - Chơn Thành (thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) và đi qua khu vực trồng cao su của tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Địa hình dưới tuyến đường dây trên địa phận tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước tương đối dốc; đoạn trên tỉnh Bình Dương và Tây Ninh địa hình bằng phẳng. Thực vật dưới tuyến chủ yếu là rừng, cây ăn quả, hoa màu, cao su. Điều kiện giao thông thuận lợi do tuyến đường dây đi gần và giao chéo với nhiều đường giao thông nội bộ của địa phương và gần các đường dây cao thế hiện hữu.
Một địa điểm đặt trạm biến áp ở Tây Ninh |
Phần ngăn xuất tuyến 500kV được xây dựng trong phần đất của TBA 500kV Tây Ninh 1. Phần trạm lặp quang dự kiến xây dựng trên địa phận tỉnh Bình Phước (giữa tuyến đường dây). Nhà quản lý vận hành dự kiến xây dựng trên địa phận tỉnh Đăk Nông và Bình Phước.
Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1 có điểm đầu là cột cổng 500kV của TBA 500kV Krông Buk thuộc huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk. Điểm cuối là cột cổng 500kV của TBA 500kV Tây Ninh 1 thuộc xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đường dây gồm 2 mạch; chiều dài tuyến khoảng 300km; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.600 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2025.
Cần đẩy nhanh xây dựng dự án
Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đánh giá, Dự án “Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1” phù hợp với tình hình phát triển ổn định, lâu dài của địa phương có tuyến điện đi qua. Khi thực hiện hạn chế ảnh hưởng đến nhà cửa, khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp và rừng sản xuất có giá trị cao. Công tác bền bù và giải phóng bằng thuận lợi, phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, đáp ứng tiến độ thực hiện dự án…Dự án còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thuận tiện cho thi công, quản lý vận hành, bảo dưỡng lưới điện sau này.
Định vị vị trí đường dây 500kV đi qua rừng cao su |
Theo kết quả khảo sát thực địa vừa được tổ chức, chính quyền các địa phương và người dân bị tác động bởi Dự án đa số đều đồng thuận cao và mong muốn công trình sớm được thực thi. Ông Phạm Trung Nghĩa - Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk - cho hay, chính quyền và người dân Cư M’gar đồng thuận với chủ đầu tư đối với kế hoạch thực hiện Dự án bởi công trình xây dựng TBA500kV Krông Buk và đường dây 500kV không ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương cũng như các công trình an ninh quốc phòng khác. Theo ông Nghĩa, hiện trạng đất để thực hiện Dự án là đất trống, rừng le, bụi rậm lác đác, đất trồng cây nông nghiệp (tiêu, cà phê) do Lâm trường quản lý, đất nông nghiệp do dân tại địa phương quản lý sử dụng nên thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Ông Huỳnh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh miền Trung của Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 - cho rằng, qua cuộc họp các bên tại hiện trường, các chuyên gia, đại diện nhà đầu tư, tư ván nhận định, suốt tuyến đường dây đi qua đến thời điểm này đều thuận lợi, riêng tại tỉnh Tây Ninh vẫn chưa đi đến thống nhất việc xác định vị trí xây dựng công trình trạm biến áp 500kV Tây Ninh 1, do vị trí xây dựng trạm có khác biệt so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Để có thể đi đến thỏa thuận thống nhất phương án vị trí trạm 500kV Tây Ninh 1 với tỉnh Tây Ninh, chủ đầu tư cần sớm có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh và có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực - đánh giá, kết quả khảo sát thực địa suốt toàn tuyến Dự án “Đường dây 500kV Krông Buk - Tây Ninh 1” cho thấy, về cơ bản chính quyền và người dân đa số đều ủng hộ Dự án sớm được thực hiện, đây là một lợi thế để có thể thực hiện Dự án đúng tiến độ.
Ông Sơn cho biết, mục tiêu chính của Dự án là chuyển công suất phát điện từ khu điện khí Cá Voi Xanh, khu vực Dung Quất miền Trung cùng một số nguồn điện khác ở Tây nguyên về khu vực miền Nam. Theo quy định đầu tư xây dựng, Dự án này phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; sau đó lập thiết kế cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư; tiếp theo sẽ lập thiết kế kỹ thuật, kế hoạch đấu thầu…khâu chuẩn bị đầu tư xây dựng còn rất dài (với mỗi bước thiết kế nếu suôn sẻ cũng tốn thời gian 1 năm, nên các bước thiết kế hoàn thành cũng đã mất hơn 3 năm), ngoài ra còn nhiều yếu tố bất định. Trong khi theo đúng tiến độ, nhà máy điện ở miền Trung năm 2024 hoặc 2025 đã vào vận hành rồi, thời gian đã quá gấp, vì thế việc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án là cấp bách.
Đại diện nhà đầu tư, tư vấn thảo luận về tiến độ báo cáo tiền khả thi Dự án tại tỉnh Bình Phước |
Theo báo cáo, đường dây 500kV hiện nay chủ yếu vướng tại Tây Ninh, do chưa xác định được vị trí đặt trạm biến áp 500 kV Tây Ninh 1 để xác định điểm cuối của tuyến đường dây. Đồng thời cùng triển khai dự án đường dây 500 kV, hiện nay Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cũng song song triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500 kV Tây Ninh và Đấu nối với quy mô công suất 1800 MVA và 4 mạch đường dây 500kv đấu nối chuyển tiếp trạm 500 kV Tây Ninh 1 vào đường dây 500 kV Chơn Thành – Đức Hòa và các đường dây 220 kV đồng bộ. Vị trí trạm 500 kV chưa thống nhất xác định được do liên quan đến việc hiểu chưa nhất quán giữa chính quyền địa phương và Chủ đầu tư về quy hoạch điện lực tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia.
Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn phân tích, nếu theo quy hoạch điện lực quốc gia, Tây Ninh có 2 trạm biến áp 500kV (được xây dựng trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030), mục tiêu là truyền công suất tải từ hệ thống điện lực quốc gia cấp cho các trung tâm phụ tải lớn và đảm bảo ổn định của hệ thống điện. Trong khi tỉnh Tây Ninh có xu hướng đề cập vấn đề mới là các nguồn năng lượng tái tạo cần được phát vào hệ thống qua trạm 500 kV Tây Ninh 1 đang dự kiến xây dựng.
Hiện đã có nhiều trạm 220kV và đường dây 220 kV tại khu vực đã hỗ trợ cho năng lượng tái tạo khá lớn về mặt giải phóng công suất suất. Tuy nhiên do tỉnh Tây Ninh có nhu cầu và tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo rất lớn, nên việc đề cập xác định vị trí trạm 500 kV để thuận lợi cho đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo sau này lên đường dây 500kV là nhu cầu chính đáng và nếu được xác định ngay từ tính toán ban đầu sẽ thuận lợi cho tối ưu đầu tư của hệ thống. Vấn đề là đặt trạm biến áp đặt chỗ nào cho chuẩn. Đơn vị chủ đầu tư tính toán hệ thống lấy mục tiêu phục vụ cho nhu cầu trung tâm phụ tải, trong đó có các khu công nghiệp Phướng Đông, Bời Lời của tỉnh Tây Ninh với phụ tải rất lớn và độ tin cậy an toàn hệ thống điện. Thí dụ chỉ tính một trạm 220kV KCN Phướng Đông (3 máy 250 MVA) sẽ được cấp điện từ trạm 500/220 kV Tây Ninh 1 thì trạm 220 kV này đã “nuốt” khoảng gần một nửa công suất của trạm Tây Ninh 1.
Rõ ràng, đứng về mặt cung cấp phụ tải cho các khu công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư thì vị trí trạm 500 kV gần với phụ tải khu công nghiệp (KCN) lớn sẽ tốt hơn về mặt truyền tải, tốt hơn về mặt tổn thất hệ thống điện trong quá trình truyền tải. Tuy mục tiêu của chủ đầu tư và địa phương có một số điểm chưa thật sự giống nhau nhưng hai bên phải hài hoà và nên đi đến thống nhất, vừa đạt mục tiêu hỗ trợ đấu nối cả nguồn phát điện sau này vừa đạt mục tiêu phát triển hạ tầng các KCN để phát triển kinh tế và đặc biệt phải đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn.
Theo ông Sơn, vị trí đặt trạm biến áp tại Tây Ninh 1 cần phải đáp ứng phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vừa phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương và vừa đạt được hài hòa của các mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương (về phát triển năng lượng tái tạo và phát triển hạ tầng các KCN thu hút các nhà đầu tư). Vì vậy, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn cần phải bổ sung tính toán lại để lựa chọn đặt trạm biến áp cho hợp lý trên tinh thần lợi ích của xã hội chứ không phải lợi ích của một doanh nghiệp hoặc của một địa phương để thống nhất tiến độ xây dựng Dự án theo yêu cầu của chiến lược phát triển điện lực quốc gia. Trên cơ sở này, địa phương cần nhanh chóng thỏa thuận vị trí trạm để làm cơ sở xác định chuẩn hướng tuyến đường dây 500 kV Krông Buk - Tây Ninh 1 và khẩn trương hoàn thành Báo cáo tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư kịp tiến độ triển khai các bước tiếp theo của các dự án.