Thứ tư 06/11/2024 08:16

Các địa phương phải chủ động tạo “vùng xanh” cho tiêu thụ nông sản

Hiện nay, nhiều nơi tại khu vực miền Nam đang đến vụ thu hoạch nông sản như nhãn, chanh, lúa, sầu riêng.... Đầu ra đang là bài toán khó đối với cả người sản xuất và doanh nghiệp phân phối, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Các địa phương phải chủ động để tạo “vùng xanh” trong thu hoạch, tiêu thụ và phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản là vấn đề được đặt ra.

Chiều 29/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng chống Covid-19” theo hình thức trực tuyến.

640.000 tấn trái cây cần kết nối, tiêu thụ trong tháng 8

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng–Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nêu một số thông tin quan trọng về sản lượng cây trồng các tỉnh phía Nam trong tháng tới. Theo đó, tháng 8 thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo. Về rau, trong tháng 8 có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít....

Thanh long một trong số nhiều loại trái cây cần kết nối tiêu thụ

Ông Nguyễn Chí Thiện- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An- cho biết, mặt hàng chanh đang mùa thu hoạch. Sản lượng chanh của Long An mỗi ngày là 2.000 tấn. Tỉnh này cũng đề cập tới lúa nếp, năng suất thu hoạch mỗi tháng 100.000 tấn. “Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang lưu ý giúp vì hiện Long An có 150.000 ha lúa ngoài đồng cần thu hoạch. Rất mong các tỉnh này hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu, doanh nghiệp máy gặt đập. Tất nhiên, vẫn phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch”, ông Thiện nói.

Về vấn đề vận chuyển, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết hiện một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code "luồng xanh" và giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ Giao Thông vận tải công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động.

Còn theo ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện nay, tỉnh lo ngại về dừa, trong 2 tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch rộ, nếu dịch phức tạp thì không thu hoạch, sơ chế được do lao động đặc thù.

Cùng theo ông Huỳnh Quang Đức, cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. “Không uống cà phê không sao nhưng người sản xuất cà phê sẽ bị ảnh hưởng”, ông Đức nói. Ngoài ra, cần xác định rõ những người sản xuất, phân phối là lực lượng tuyến đầu để có phương án cụ thể dành cho họ.

Vẫn khó ở khâu lưu thông

Trong khi phía đầu cung gặp khó đầu ra, thì phía các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong lưu thông và phân phối hàng hóa. Bà Phạm Thị Ngọc Lan- Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc- về quy định vận chuyển, "luồng xanh" ở mỗi nơi một kiểu vận dụng, khiến lưu thông rất khó, đặc biệt vùng giáp ranh. Có những nơi, 2 đầu cầu đã yêu cầu khác nhau. Có nơi còn siết chặt quy định, giấy cho phép 72 giờ, nhưng chỉ lưu thông trong 24 giờ.

Cũng theo bà Lan, hiện "luồng xanh" chủ yếu cấp cho các xe vận tải. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện. Về giấy xác nhận đi đường, nhiều nơi chưa kịp, khiến nhân viên khó đi qua các chốt để đảm bảo khâu bán hàng.

Hiện "luồng xanh" chủ yếu cấp cho các xe vận tải. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện.

Food Connect là công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển, phân phối nông sản ở khu vực thành thị. Do các quy định về phòng chống dịch, hàng hóa đến tay những người bán hàng không chuyên đang bị dừng lại. Ngoài ra, lực lượng shipper cũng bị hạn chế trong di chuyển, tạo ra khó khăn cho các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử. Vì vậy, Food Connect rất mong Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình tiêu thụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại khu vực thành thị.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà- Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods- cho biết, nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi. Chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc rất bức thiết. Đâu đó ách tắc là do người tiêu dùng không biết đi đâu mua. Do đó, bà Hà mong muốn đặt những điểm test nhanh trên các tuyến vận tải. Còn về hệ thống siêu thị, các bộ, ngành đưa ra giải pháp là chia nhỏ ra các điểm do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly. Như thế sẽ giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, đại diện Công ty Huy Long An cho rằng, "nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới". Vật tư sản xuất nông nghiệp cần được lưu thông thông thoáng hơn để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Cần quan tâm đến lực lượng nhân công làm việc ngoài đồng. Đưa nông dân, công nhân nông nghiệp vào danh sách những người làm việc trong ngành nghề ưu tiên….

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- nhận định, mấu chốt lớn nhất hiện nay là bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả tiêu thị trong nước và quốc tế. Đây là hệ quả của các quy định chống dịch và các địa phương triển khai quá tay. Chúng ta chống dịch nhưng chưa tính đến yếu tố hậu cần cho người dân.

Trước mắt, cần giải quyết vấn đề về hàng thiết yếu. Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu” nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa. Hiện văn bản đã gửi Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Về xét nghiệm, đặc biệt với đội ngũ lái xe, Sở Y tế các tỉnh có thể tư vấn thêm, hoàn toàn có thể điều chỉnh về thời hạn, nhất là với những người tuân thủ “một cung đường, hai điểm đến”. “Các tỉnh phải nghiên cứu để đưa ra được quy định phù hợp, tránh tình trạng suốt ngày chỉ đi xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chủ động kiến nghị với lãnh đạo địa phương để có cơ chế linh hoạt để hoạt động. Với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa kịp tiêm, cần đẩy mạnh xét nghiệm và tuân thủ 5K”, ông Tuấn nói.

Với các tỉnh, cần chủ động tạo ra “vùng xanh” cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, như các làm của Bắc Giang cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động. “Càng siết chặt giãn cách, càng phải tạo điều kiện cho shipper làm việc, kèm theo đó là quản lý chặt để ngăn chặn dịch”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 đã được khống chế ở một số nơi, nhưng nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Vì thế, việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản ở một số nơi còn bị ách tắc. Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho rằng, làm thế nào để đảm bảo cung cầu hàng hóa giữa 2 miền Nam - Bắc; tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau này, không chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đang là nhiệm vụ đặt ra.

Trước ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Thanh Nam cho hay, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Covid-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam. Đề nghị các tỉnh, thành tự xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Khẳng định, vấn đề chủ động vẫn thuộc về các địa phương. Do đó, ông Trần Thanh Nam đề nghị UBND các tỉnh nắm địa bàn sát hơn nữa, lắng nghe các doanh nghiệp hơn nữa để duy trì sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa được thông suốt. Quan điểm của Bộ NN&PTNT, là tiếp tục duy trì sản xuất bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 6/11/2024: Đồng USD giảm khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu

Giá xăng dầu hôm nay 6/11/2024: Tăng nhẹ do bão

Giá vàng hôm nay 6/11/2024: Vàng thế giới nhích tăng

Dự báo giá tiêu ngày 6/11/2024: Nối dài đà giảm, áp lực giảm giá vẫn còn hiện hữu

Dự báo giá cà phê ngày 6/11/2024: Chấm dứt đà giảm, bật tăng trở lại

Honda SH 350i phiên bản 2025 mới nhất: Xe SH350i chính thức bán ra thị trường vào ngày mai

TP. Hồ Chí Minh tăng cường bảo đảm bình ổn hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025

Thương mại điện tử: Kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Giá lúa gạo hôm nay 5/11/2024: Giá lúa tăng, giảm trái chiều; giá gạo giảm 50 - 150 đồng/kg

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/11: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khởi sắc trong phiên đầu tuần

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 5/11/2024: Đồng Yen nhích nhẹ ở cả hai chiều mua và bán

Giá heo hơi hôm nay 5/11/2024: Tăng nhẹ cả 3 miền, miền Bắc ở mức cao nhất cả nước 64.000 đồng/kg

Giá bạc hôm nay 5/11/2024: Bạc điều chỉnh giảm sau 2 tuần tăng liên tiếp

Giá tiêu hôm nay 5/11/2024: Đi ngang ngày thứ 2 liên tiếp, quanh mức 141.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 5/11/2024: Trong nước tiếp tục giảm 500 đồng/kg, thế giới tăng trở lại

Tỷ giá USD hôm nay 5/11/2024: Đồng USD trượt giá

Giá xăng dầu hôm nay 5/11/2024: Giá dầu tăng gần 3% sau khi OPEC+ hoãn tăng sản lượng