Cà phê Việt Nam được thị trường châu Âu - châu Mỹ ưa chuộng
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung. Với thị trường châu Âu - châu Mỹ, năm 2023, xuất khẩu 7 nhóm nông sản chính của Việt Nam (bao gồm các mặt hàng: Chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, cao su và cà phê) sang thị trường này đạt xấp xỉ 5,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,65% so với năm 2022.
Riêng mặt hàng cà phê, bất chấp những thách thức từ việc lượng dự trữ cà phê của Việt Nam hiện đang rất ít trong khi nguồn cung eo hẹp và tình hình lạm phát vẫn chưa được kiểm soát tốt và lãi suất tăng cao tại cả EU và Hoa Kỳ thì những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ vẫn cán đích thành công với giá trị 2,33 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu - châu Mỹ tăng 51,9%, đạt 1,04 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Nối tiếp đà tăng trưởng, trong 3 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu - châu Mỹ tăng 51,9%, đạt 1,04 tỷ USD và Đức là thị trường nhập khẩu số một cà phê của Việt Nam với khối lượng 69.924 tấn; đứng thứ hai là Italia với 63.952 tấn; tiếp đến là Tây Ban Nha với 43.287 tấn...
Thực tế, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á. Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần. Chính vì vậy, tại thị trường Âu - Mỹ, cà phê Việt Nam có nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Chẳng hạn, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Cùng với Hiệp định EVFTA, hiện nay Việt Nam còn 2 Hiệp định đang đàm phán trong khối thị trường Âu - Mỹ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Hiệp định ASEAN - Canada. Như vậy, với những lợi thế từ các FTA mang lại, kỳ vọng xuất khẩu cà phê nói riêng và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung sang thị trường Âu Mỹ sẽ tăng trưởng đột phá ở năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45- 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Phúc Sinh, đã tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu sang thị trường EU.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, những năm qua để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê phục vụ xuất khẩu tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, như đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ Certifed, RFA, FLO; sản xuất cà phê có chỉ dẫn địa lý và tiếp tục chương trình tái canh cà phê, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích tái canh hơn 24,4 nghìn ha… Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê.
Đắk Lắk hiện có 209 cơ sở chế biến cà phê, sản lượng chế biến hàng năm khoảng 496 nghìn tấn, gồm cà phê nhân 455 nghìn tấn, cà phê bột 31 nghìn tấn và cà phê hòa tan 10 nghìn tấn. Trong niên vụ cà phê 2022 - 2023, Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đến 61 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, Italia là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 39,045 triệu USD.
Dù lợi thế sẵn có, song hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ đang đối diện với nhiều thách thức. Trước hết là do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hàng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp; thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, không ổn định, thiếu các bạn hàng lớn; hệ thống logistics còn nhiều hạn chế...
Phân tích rõ hơn những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn và lan ra cả những khu vực khác đe dọa gián đoạn dòng vận tải lưu chuyển hàng hóa; các thị trường xuất khẩu phục hồi kém và ở tình trạng bấp bênh, người dân mang nặng tâm lý phòng thủ hơn tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn cho chi phí đầu vào tăng cao: Xuất khẩu toàn khu vực có khả năng tiếp tục giảm từ 4-5% (trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm khoảng 2-3%, EU giảm khoảng 4-5%).
Chưa kể, hiện nay, việc các nước đang dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc ra sẽ tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để duy trì thị phần và đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu về các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án tận dụng ưu đãi thuế quan với từng dòng sản phẩm, từng thị trường xuất khẩu.
Cùng đó, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường các thị trường nhập khẩu.
Riêng đối với thị trường EU, hiện nay, thị trường này ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng cà phê. EU đã siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó cà phê là 0,1 mg/kg. Điều này đòi hỏi nước nhập khẩu phải điều chỉnh phương thức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng cần lưu ý quy định của EU về chống phá rừng, gây suy thoái rừng có hiệu lực từ năm 2023 đến hết năm 2024. Theo đó, EU sẽ không nhập khẩu các sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê.
“Đối với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có một số tiêu chuẩn nhãn mác để được lưu hành tại thị trường này, như nhãn hiệu CE cho các sản phẩm ở thị trường EU, nhãn hiệu UKCA cho các sản phẩm ở thị trường Anh, giấy phép FDA cho các sản phẩm thực phẩm, thuốc tại thị trường Mỹ” - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin và khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu đăng ký các giấy phép, nhãn hiệu cho sản phẩm của mình phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.