Bơi đua thuyền truyền thống: Nét đẹp văn hóa trên quê hương Đại tướng
Người tham gia dự thi là các thanh niên, trai tráng có sức vóc được lựa chọn kỹ càng |
Được mệnh danh là “ Nơi ăn tết độc lập to nhất cả nước” , Lễ hội Bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang từ ban đầu là hội bơi, đua cầu đảo của Làng, của Tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và đến ngày 2/9/1946 - mừng Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tròn 1 tuổi - lần đầu tiên nhân dân Lệ Thủy tổ chức “ăn Tết Độc lập” và “Lễ hội bơi, đua thuyền” được tổ chức ở quy mô và đều đặn hàng năm cho đến nay. Đến hẹn lại lên, trước thời gian bước vào mùa giải, dọc đôi bờ con sông “ xanh mãi một màu” này lại dậy sóng, không khí luyện tập, tiếng mõ, tiếng cổ vũ, tiếng xe cộ người dân đi xem náo nhiệt đến lạ thường. Mỗi người con dù xa quê, dù ở nơi đâu nhưng đến ngày 02/09 luôn tranh thủ để trở về cổ vũ cho đò bơi, thuyền đua làng mình.
Thể thức thi đấu gồm 2 nội dung là bơi nam và đua nữ. Ở bộ môn bơi thuyền nam mỗi làng, thôn sẽ có một đò bơi tham dự trung bình từ 25-30 người đều là thanh niên trai tráng có sức khỏe được lựa chọn kỹ càng ở trong làng, ai nấy đều có nhiệu vụ khác nhau và theo nhịp chỉ huy của một người gỏ mõ để đưa thuyền về đích. Ở thuyền đua nữ thì số lượng người ít hơn nhưng cái chính cũng phải có sức khỏe sự dẻo dai và tin anh. Quãng đường thi đấu dài 24 km dành cho đò bơi và 18 km dành cho đò đua trải dài qua nhiều xóm làng. Dọc đôi bờ con sông Kiến Giang là cờ hoa và biểu ngữ, băng rôn, tiếng trống tiếng chiêng hòa cùng âm vang mùa thu cách mạng của đất nước.
Các đội bơi nam và đua nữ tập kết trước giờ thi tài |
Du khách cả nước ngày càng biết lễ hội nhiều hơn qua công tác quảng bá và sự hấp dẫn của Lễ hội nơi đây. Theo ông Lê Văn Bảo- Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy: “ Như mọi năm, năm nay một số đài Truyền hình sẽ tiếp tục quay và phát trực tiếp giải bơi đua thuyền giúp quảng bá hình ảnh địa phương đến với bạn bè gần xa . Ngoài ra UBND huyện cùng Sở Văn hóa- Thể thao, Sở Du lịch Quảng Bình đã lên kế hoạch chương trình tri ân Đại tướng sau 5 năm người về với cõi vĩnh hằng và được trực tiếp trên sóng VTV đây cũng là một lợi thế để phát triển hìn hảnh của quê hương “hai giỏi” đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Cùng với việc Hò khoan Lệ Thủy vừa được đón nhận danh hiệu - Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia,Lễ hội Bơi đua thuyền truyền thống sẽ mang hình ảnh đẹp về sự kiên cường, bất khuất luôn nỗ lực đi lên của người dân Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đến với mọi người.