Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Sáng ngày 5/6, tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn về kinh doanh, xuất khẩu gạo và nhiều vấn đề khác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục phiên chất vấn sáng ngày 5/6 |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu gạo, hiện tượng El Nino đang tác động tới khí hậu toàn cầu, khiến diện tích canh tác giảm, canh tranh giữa các doanh nghiệp ngành lúa gạo khá gay gắt, người nông dân không được hưởng lợi nhiều kể cả khi giá lúa gạo tăng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng nêu, hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về Kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107) đã phát sinh nhiều nội dung không phù hợp với thực tế. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 107, vậy, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nội dung nào và khi nào trình Chính phủ ban hành Nghị định để giải quyết khó khăn, nâng cao giá trị gạo của Việt Nam?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh |
Trả lời chất vấn về ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận, Nghị định 107 đã phát sinh nhiều điểm bất cập, do đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương tích cực xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107. Sau hơn một năm thực hiện, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107 đang được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và Bộ đang tổng hợp để hoàn thiện.
Dự thảo Nghị định sửa đổi có năm ý. Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ, chế tài xử lý cao, mang tính răn đe nhằm hạn chế tình trạng thương nhân chậm và không thực hiện chế độ báo cáo.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời gian hậu kiểm của các Sở Công Thương sau khi được nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Như vậy, tăng trách nhiệm của địa phương với trách nhiệm kiểm tra thủ tục pháp lý, điều kiện hoạt động, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn giữa Sở Công Thương và Bộ.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hiệu quả trong thực thi chính sách.
Thứ tư, bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, ban hành chương trình phát triển hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại riêng đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
“Đặc biệt, xây dựng thương hiệu gạo phải là thương hiệu của Việt Nam chứ không phải thương hiệu của địa phương, càng không phải là thương hiệu của một sản phẩm cụ thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ năm, bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận có quyền về kinh doanh xuất khẩu thì mới được thực hiện.
“Dự thảo Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, Bộ Công Thương sẽ cố gắng trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng này”, Bộ trưởng một lần nữa thông tin.
Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ |
Với ý kiến của đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ về thời điểm chuyển giao Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ về UBND tỉnh Phú Thọ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc chuyển giao liên quan đến đến quy định về tài sản công. Đồng thời, liên quan đến việc sắp xếp hệ thống sự nghiệp công, hiện mới đang triển khai, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Chúng tôi cam kết là thúc đẩy quá trình này, sớm ngày nào chuyển giao cho tỉnh sớm ngày đó”, Bộ trưởng khẳng định.
Tại phiên chất vấn, trả lời ý kiến của đại biểu Hà Ánh Phượng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng tình với việc chuyển giao. Phó Thủ tướng cho rằng, với các cơ sở đào tạo này nên xem xét để chuyển về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoặc về địa phương trực tiếp quản lý. “Bộ Chính trị đã có chủ trương về vấn đề này nhưng phải có lộ trình và xem xét đến khả năng tiếp nhận”, Phó Thủ tướng thông tin.