Bộ Công Thương: Đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường ngành
Trong số các lĩnh vực ngành, thì công nghiệp – thương mại là lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như khai khoáng, sản xuất gang thép, hoá chất, điện, hàng công nghiệp tiêu dùng, làng nghề thủ công…mỗi công đoạn sản xuất đều phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường (chất thải rắn, nguồn nước, không khí, tiếng ồn…) nếu không xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội. Hay trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng thương mại, việc sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa khó phân huỷ; sử dụng lãng phí điện, xăng dầu cung góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường luôn được Bộ Công Thương chú trọng, triển khai thường xuyên, nghiêm túc và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Theo đó, bên cạnh việc góp ý cho các bộ ngành khác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương cho từng giai đoạn 5 năm, phù hợp với bối cảnh thực tế phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ cũng như các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập. Bộ cũng nhận thức rất rõ rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của ngành thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý có vai trò rất quan trọng, vừa thực hiện hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước; vừa phục vụ công tác quản lý; vừa làm cơ sở để các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân thực hiện.
Bộ Công Thương: Đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường ngành (Ảnh minh hoạ) |
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025. Ngay sau đó, Bộ đã ban hành các văn bản có liên quan như: Thông tư số 41/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định về quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; Thông tư số 42/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Quyết định số 1818/QĐ-BCT, ngày 20/7/2021 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Công thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Bộ đã tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan, ban, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách triển khai những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Song song với việc hoàn thiện pháp luật, Bộ Công Thương đã xây dựng triển khai hàng loạt chương trình để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tính hết năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm như hóa chất - phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ - thủy tinh, nhựa, bia - rượu - nước giải khát; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát về thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh có tiềm năng gây ô nhiễm; tiến hành sát sao, thường xuyên, kịp thời chỉ đạo để xử lý các vấn đề ô nhiễm phát sinh trong quá trình vận hành của các nhà máy nhiệt điện than...
Xử lý tro xỉ tại nhà máy nhiệt điện than |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường thông qua việc đăng tải và phát hành hàng trăm bài, phóng sự… trên các ấn phẩm báo, tạp chí của Bộ và các cơ quan báo chí Trung ương; tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, khóa tập huấn đào tạo chuyên môn đã được tổ chức với hàng nghìn lượt cán bộ quản lý về môi trường trong các đơn vị của ngành Công Thương.
Bộ Công Thương cũng chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế để vừa học hỏi kiến thức, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, triển khai, vừa tìm kiếm nguồn lực tài chính phục vụ công tác bảo vệ môi trường ngành. Theo đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các dự án về “Quản lý PCBs tại Việt Nam”; Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (Đan Mạch); Tiết kiệm năng lượng (Nhật Bản, ADB, WB, Đan Mạch)... với Viện nghiên cứu đô thị EX Nhật Bản về quản lý phát thải thủy ngân trong ngành nhiệt điện than Việt Nam…
Theo đánh giá của Chính phủ và nhiều chuyên gia, trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim...cũng như trong tiêu dùng thương mại. Những thành quả này sẽ là động lực quan trọng để ngành Công Thương tiếp tục phát huy vai trò quản lý, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Là bộ chức năng chịu trách nhiệm chính trong quản lý, phát triển công nghiệp, thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường với tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, “Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”. |