Biến động giá dầu: Phép thử và kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam
Tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 8/9/2022 tại Hà Nội, để ứng phó với sự biến động của giá dầu thế giới, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được đưa ra nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển. Trong đó đảm bảo cung cầu nội địa ổn định, tăng cường chuỗi cung ứng mạnh được xem là giải pháp hữu hiệu.
Phép thử từ biến động giá dầu
Hiện thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt sắp tới nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu có nguy cơ tiếp tục gia tăng.
Trong nước, sau những hệ lụy do đại dịch Covid-19 tới nhiều mặt kinh tế - xã hội, tình trạng biến động giá xăng dầu gần đây tiếp tục tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI. Trong đó, ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logisitics Việt Nam, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics; phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.
Do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
"Giải pháp mà chúng tôi đưa ra bên cạnh giải pháp về kỹ thuật như nâng cao công tác quản trị, giải pháp thương mại (hạn chế chạy hàng 01 chiều) cùng với đó là tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, giữa doanh nghiệp vận tải với các đơn vị cung ứng xăng, dầu... để nâng cao tính kết nối, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động giá dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Lê Quang Trung cho biết.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt”.
Để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, theo ông Lê Tuấn Anh: “Doanh nghiệp cần triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như: tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm…”.
Các chuyên gia thảo luận tình hình biến động giá dầu thế giới và trong nước và gợi ý kịch bản ứng phó cho nền kinh tế Việt Nam |
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ từ góc nhìn của cơ quan lập pháp của Việt Nam về xu hướng giá dầu đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng.
Ông Hiếu chia sẻ: “Hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế. Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác.”
Do đó, ông Hiếu cho rằng việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Ví dụ để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Do đó các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý.
Là đơn vị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng: “Giá dầu từ nay đến cuối năm 2022 có thể tăng nhẹ. Để đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu, thì chúng ta cần kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.”
Theo ông Khôi, định lượng tác động của giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine cho thấy, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với (1) Rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm %, tại Ukraine tăng 2 điểm % và tại EU tăng 0,5 điểm phần trăm; (2) Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; (3) Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022 và sau đó tăng về kịch bản cơ sở; (4) Shock tỷ giá RUB trong hai năm 2022 và 2023; (5) Nhập cư từ Nga sang Ba Lan, Đức thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm % so với tăng trưởng kinh tế trong trường hợp không có căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra (KBCS); lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % trong năm 2022 và 1,62 điểm % trong năm 2023.
Theo ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), không chỉ liên quan đến nguồn cung và giá, vấn đề này còn liên quan đến các chính sách của các quốc gia cùng với đó là các yếu tố bất ổn chính trị tại Libya, Nga - Ukraine, ngoài ra trong suốt nhiều năm chính sách tiền tệ cũng có nhiều thay đổi, đơn cử như Mỹ.
"Nói về nguồn cung dầu mỏ trên thế giới có nhiều quan ngại, Tổ chức OPEC cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 tới. Sản lượng dầu của OPEC+ vào khoảng 26,9 triệu thùng/ngày, số liệu này cho thấy nguồn cung khá hạn chế. Tôi nghĩ rằng, việc cắt giảm sản lượng là xu thế lâu dài. Ngoài ra nguồn cung đối với các sản phẩm từ dầu và khí từ Nga rất đáng quan ngại. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với giá dầu mà toàn bộ ngành năng lượng nói chung", ông Kenya Maeda chia sẻ.
Tăng cường chuỗi cung ứng
Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần có một chuỗi cung ứng mạnh mẽ với hệ thống các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ. Điều này sẽ giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các biến động giá dầu bất thường của thế giới.
Cụ thể, ông Kenya Maeda đã đưa ra những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, mức độ ảnh hưởng đối với Idemitsu Kosan và các hoạt động tại Việt Nam.
Ông Kenya cho biết: “Nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng. Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”.
Còn theo ông Lê Tuấn Anh, về các giải pháp trung và dài hạn, Việt Nam cần sớm đầu tư các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để giúp chủ động ứng phó với các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam; nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu cả trong và ngoài nước… đặc biệt là nghiên cứu khả năng khai thác băng cháy ở Biển Đông.
Trong khi đó, với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đã đưa ra những phân tích về những hoạt động doanh nghiệp có sự tương hỗ với những thay đổi về lên xuống của giá xăng dầu - một nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp, và đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp để bình ổn sản xuất trong bối cảnh giá dầu bấp bênh.
Theo ông Dũng, trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.
“Vì thế, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả”, ông Dũng nêu ý kiến.