Bên lề Quốc hội: Ngân sách sẽ thất thu hơn nếu không giảm thuế để "ghìm" giá xăng dầu
Chia sẻ bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng nếu sợ ngân sách thất thu mà không giảm thuế để "ghìm" giá xăng dầu thì lo ngại sẽ thất thu hơn với khả năng lạm phát gia tăng mạnh.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đặt vấn đề về việc giảm thuế để hạ giá xăng, một số ý kiến lo ngại vấn đề thất thu ngân sách nếu tiếp tục giảm thuế phí với xăng dầu.
Tuy nhiên vị đại biểu này nhìn nhận, phải biết hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Bộ Tài chính sợ thất thu vì giảm thuế thì có thể sẽ gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm giá xăng. Bởi vì lạm phát bùng nổ thì các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân- đoàn TP. Hồ Chí Minh |
Đại biểu lý giải, từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ 1/4 vừa qua, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể.
Đối với ngân sách Nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách. Nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. “Bởi giá cả lên thì chi ngân sách tăng, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất đáng ngại, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu cụ thể.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, ngoài việc giảm thuế cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân gì hết, mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy.
“Trong "rổ" chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời”- địa biểu nêu giải pháp.
Ông Ngân thông tin thêm, việc giảm hoặc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, tôi cho rằng, ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xóa sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí Logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường.
“Còn không có sự bất công nào khi "cào bằng" việc giảm thuế giữa người thu nhập cao và người thu nhập thấp. Bởi hiện nay, số lượng người có thu nhập thấp cũng chiếm tỷ lệ khá đáng kể. Trong khi bản thân những người thu nhập cao và tầng lớp trung lưu, họ cũng đóng góp rất lớn thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước”- đại biểu phân tích kỹ lưỡng.