Bất ngờ xuất hiện tài khoản TikTok tick xanh mang tên Thích Minh Tuệ
Theo ghi nhận, kênh TikTok có tên hiển thị là "Thich Minh Tue", tên trên đường dẫn là "@minhtuekinhphat", hình ảnh diện là ảnh một người đàn ông trông giống ông Thích Minh Tuệ.
Vào thời điểm 17h ngày 6/6, kênh TikTok này đang thu hút hơn 31.500 người theo dõi. Trên kênh có 7 video, nội dung chia sẻ là hình ảnh tượng Phật kèm theo triết lý nhà Phật. Mỗi video trên kênh này có hàng trăm nghìn lượt xem.
Kênh TikTok có tick xanh mang tên "Thich Minh Tue". (Ảnh chụp màn hình) |
Theo tìm hiểu về điều khoản của /chu-de/tiktok.topic, tick xanh là dấu hiệu cho thấy tài khoản đã được xác minh, thể hiện độ uy tín và giúp người dùng nhận biết đây cũng là tài khoản chính chủ. Thông thường, tích xanh TikTok được cấp cho người có số lượng theo dõi lớn, nhân vật của công chúng, công ty truyền thông hoặc thương hiệu nổi tiếng.
Thực tế, ngoài kênh TikTok "chính chủ" vừa nêu thì còn nhiều kênh khác cùng tên nhưng cũng có lượt theo dõi khá cao với hàng chục ngàn người theo dõi. Những kênh mạo danh này cũng đăng tải lại những video ông Thích Minh Tuệ là nhân vật chính.
Tuy nhiên, theo nhận định từ một số chuyên gia, hầu hết những tài khoản trên đều là giả mạo, có thể chỉ mới tạo ra thời gian gần đây, hoặc vừa được đổi tên, nhằm mục đích thu hút lượng tương tác trong giai đoạn này.
"Không khó để thấy rằng đây là chiêu trò của một bộ phận người dùng TikTok, đang lợi dụng thời điểm nhạy cảm này để câu view, câu follow từ cái tên "Thích Minh Tuệ", ông Phạm Sỹ Lợi, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ.
Theo ông Lợi, sau khi đã thu hút được một lượng tương tác nhất định, những tài khoản TikTok giả mạo trên có thể được đổi tên và bán đi với giá hàng chục triệu đồng. Đây cũng là chiêu trò quen thuộc mà nhiều đối tượng sử dụng mỗi khi có những cái tên hot xuất hiện, bất chấp việc họ nổi tiếng hay tai tiếng.
Thích Minh Tuệ trở thành "hiện tượng mạng" thời gian qua |
Liên quan sự việc này, trưa 3/6, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) thông tin, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai; hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân.
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật", Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay.
Các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện. Tuy nhiên cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.
"Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực", Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin.
Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.
This browser does not support the video element.