Bảo hiểm giá bằng công cụ phái sinh: Giải pháp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Giá dầu thế giới “lên đỉnh” 8 năm – điều đã được dự báo trước
Theo thống kê của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ đầu năm 2022, giá dầu thô WTI liên thông với Sở NYMEX và dầu thô Brent trên Sở ICE đã tăng lần lượt 24% và 22%. Giá dầu hiện đã lên tới vùng 95 USD/thùng và là mức cao nhất kể từ tháng 09/2014 tới nay. Bức tranh về giá dầu vẫn tiềm ẩn rất nhiều biến động, khi thế giới bước vào giai đoạn hậu Covid-19. Hoạt động đi lại và sản xuất được khôi phục sẽ giúp nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn thế giới quay trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó, sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ đang được nới lỏng từ từ, thậm chí sản lượng thực tế không đạt kế hoạch đề ra.
Diễn biến giá dầu thô thế giới và giá xăng RON95-III trong nước |
Trên thực tế, kịch bản giá dầu tăng cao đã nằm trong dự báo của rất nhiều các ngân hàng và tổ chức lớn trên thế giới kể từ giữa năm 2021. Goldman Sachs và JP Morgan Chase đều duy trì dự báo giá dầu sẽ tiệm cận vùng giá 100 USD/thùng trong vòng nửa năm qua. Tại Việt Nam, trong các bản tin phân tích thị trường đăng trên website của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam (trực thuộc MXV) đã liên tục đưa ra nhận định giá dầu sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Bức tranh cung – cầu của thị trường năng lượng nói chung và dầu thô nói riêng đã khá rõ ràng, và việc giá tăng không phải là điều quá bất ngờ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Bảo hiểm giá bằng các công cụ phái sinh
Theo nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá xăng dầu nhập khẩu là một thành phần quan trọng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu trong nước. Trong năm 2021, giá dầu Brent trên Sở ICE đã tăng 50%, và giá xăng RON95-III đã tăng khoảng 41%. Sự tương đồng giữa xu hướng của giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước là cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các công cụ phái sinh. Tại Việt Nam, các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của các mặt hàng dầu thô, xăng pha chế, khí tự nhiên đã được MXV liên thông giao dịch với Sở NYMEX và Sở ICE kể từ tháng 05/2020.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), tỷ trọng của nhóm sản xuất và kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 60% quy mô toàn thị trường dầu kỳ hạn. Con số này cho thấy phần lớn khối lượng giao dịch trên thị trường dầu thế giới đến từ các doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm giá. Theo thời báo tài chính Barron’s, các nhà sản xuất dầu của Mỹ thường sẽ bảo hiểm 40 – 50% sản lượng khai thác dự kiến cho ít nhất 12 – 15 tháng sau đó. Điều này giúp các doanh nghiệp luôn đảm bảo lợi nhuận trong nhiều kịch bản khác nhau của giá dầu và góp phần giúp thị trường xăng dầu tại Mỹ luôn được điều tiết ổn định và hiệu quả.
Tỷ trọng của các thành phần tham gia thị trường dầu kỳ hạn trên thế giới |
Tại thời điểm đầu tháng 12/2021, khi giá dầu thế giới chỉ ở mức 65 USD/thùng, đã có nhiều tổ chức đưa ra dự báo rằng đây sẽ là vùng đáy của giá dầu trong 6 tháng tới. Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65 – 70 USD/thùng. Nghĩa là, dù giá dầu tăng đến 100 hay thậm chí 150 USD/thùng, thì giá đầu vào của các doanh nghiệp này sẽ vẫn ở mức 65 – 70 USD/thùng, theo giá khớp trên Sở Giao dịch. Với mức giá hiện nay, theo MXV, các doanh nghiệp này đã tiết kiệm được 40 – 50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá.
Giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước chủ động trong mọi tình huống
Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, 01 hợp đồng dầu thô Brent tiêu chuẩn được liên thông với Sở ICE có khối lượng 1.000 thùng dầu, đang có giá trị khoảng 95.000 USD. Theo quyết định mới nhất, số 73/QĐ/TGĐ-MXV ban hành ngày 15/02/2022, mức ký quỹ ban đầu của 01 hợp đồng dầu thô Brent chỉ là 8.360 USD. Nghĩa là chỉ với chưa đến 200 triệu đồng, các doanh nghiệp đã có thể thực hiện bảo hiểm giá cho 1.000 thùng dầu với giá trị thực tế gấp hơn 10 lần.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có thể bảo hiểm giá cho các hợp đồng dầu thô với thời gian giao hàng trong vòng gần 9 năm tính từ thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, kể từ tháng 11/2021, MXV đã chính thức đưa sản phẩm dầu thô WTI Micro vào giao dịch với khối lượng hợp đồng và mức ký quỹ chỉ bằng 10% so với hợp đồng dầu tiêu chuẩn.
Các đặc tả hợp đồng của mặt hàng dầu thô đang giao dịch tại MXV |
Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính đặt câu hỏi: Việt Nam đã có Sở Giao dịch Hàng hóa với đầy đủ các công cụ phái sinh, vậy vì sao các doanh nghiệp không chủ động thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá? Ông Long kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nghiên cứu, thực hiện hiệu quả các công cụ phái sinh để ứng phó với những biến động khó lường trong thời gian tới. “Bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Chúng ta cần học hỏi những công cụ mà thế giới đã áp dụng thành công hàng chục năm qua. Doanh nghiệp nào bắt kịp xu hướng của thế giới càng nhanh, sẽ càng tạo ra sự khác biệt và bứt phá mạnh mẽ”.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng kết quả lãi, lỗ của doanh nghiệp đang bị phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới. "Do đó, cần có cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu để tránh được những cú sốc về giá, và nên đưa chi phí này vào kết cấu hình thành giá cơ sở". Sự thiếu đồng bộ về chính sách của các Bộ, ban, ngành liên quan cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa triển khai các công cụ bảo hiểm giá. Theo ông Bảo, nghiệp vụ bảo hiểm giá thông qua giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa nên được hạch toán vào giá vốn hàng hóa của doanh nghiệp.
Với lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, các tập đoàn và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trên thế giới đều đã thực hiện hiệu quả các công cụ bảo hiểm giá trên thị trường phái sinh. Điều này khiến họ luôn duy trì được mức lợi nhuận khổng lồ bất kể việc giá dầu lên hay xuống. Quan trọng hơn, chính sự chủ động trước các biến động về giá đã giúp thị trường xăng dầu tại các nền kinh tế phát triển luôn vận hành ổn định. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thiết yếu của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới giá của nhiều loại hàng hóa khác, nên việc điều hành thị trường xăng dầu ổn định sẽ là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.