Bánh cốm Nguyên Ninh bị làm giả ngay trên "sân nhà"
Đa số người dân Hà Thành đều đã rất quen thuộc với sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh Hàng Than được đóng trong vỏ hộp giấy màu xanh, mặt màu đỏ in chữ vàng, phía trên cùng có Hán tự. Tuy nhiên trong những năm gần đây, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng lại lấy hiệu Nguyên Ninh.
This browser does not support the video element.
Công chức Quản lý thị trường hướng dẫn nhận diện, phân biệt sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh thật và giả |
Đặc điểm đầu tiên để nhận diện bánh cốm Nguyên Ninh thật và giả đó là chữ Hán tự in trên bao bì sản phẩm. Đối với sản phẩm thật, hán tự được in trên bao bì hộp bánh có hai chữ (寧 原), mang ý nghĩa là Nguyên gốc Yên Ninh. Trong khi đó, trên sản phẩm giả, Hán tự là chữ Hỷ (喜).
Đặc điểm nhận diện thứ hai là sử dụng phần mềm check mã vạch. Với sản phẩm bánh cồm Nguyên Ninh thật, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng Scancheck. Khi quét mã vạch, nếu là sản phẩm thật, mã vạch in trên sản phẩm sẽ trùng khớp với mã vạch trên ứng dụng và thông tin về sản phẩm sẽ được hiển thị chi tiết. Việc kiểm tra mã vạch được thực hiện thành công khi sản phẩm còn hạn sử dụng.
Đặc điểm nhận diện thứ ba là bao bì sản phẩm, bánh cốm Nguyên Ninh thật được đóng gói trong bao bì vỏ xanh. Một mặt màu đỏ, in chữ vàng. Mọi sản phẩm bánh cốm được bọc trong vỏ có màu vàng hay màu khác đều không phải là sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh chính hãng.
Ngoài ra, bánh cốm Nguyên Ninh chính hiệu chỉ được bán tại địa chỉ 11 Hàn Than, Hà Nội.
Cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp kiểm tra, phát hiện gia đình bà Phạm Thị Hương và Quyền Đình Tới tại thôn 4, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý đang sản xuất số lượng lớn bánh cốm và bánh xu xê mang nhãn hiệu “Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than - Hà Nội”. Theo khai nhận, thương hiệu “Nguyên Ninh” là nhãn hiệu bánh cốm nổi tiếng ở Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng nên gia đình nàyđã biến nhà riêng thành xưởng sản xuất và sử dụng thương hiệu Nguyên Ninh để bán được nhiều hàng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh trực tiếp hướng dẫn cách phân biệt bánh cốm Nguyên Ninh thật - giả |
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.
Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đó là việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắ. Do vậy, từ 3-7/7/2024, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện Thực phẩm thật - giả”, với điểm nhấn là các loại lương thực, thực phẩm như: gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure, sữa bột Glucerna, sữa bột Abbott Grow, sữa bột Ensure Gold, kẹo Hubba Bubba, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong cùng nhiều các sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, thực phẩm chức năng.
Theo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi, đối tượng vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường rất mong muốn tạo ra một địa chỉ tin cậy, giúp khách tham quan có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, từ đó nâng cao nhận thức, cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa và các địa chỉ tin cậy để mua sắm an toàn.
Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường xác định công tác phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng. Song song với kiểm tra, kiểm soát, lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp với hải quan, biên phòng, công an... tiến hành kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
This browser does not support the video element.