Bài ca lao động của những người vớt rong câu mưu sinh
Sau 3 tiếng lao động dưới làn nước lạnh, người dân Tam Hiệp trở về bờ với một ghe đầy rong câu |
Mới tờ mờ sáng, ông Huỳnh Văn Quân (thôn Nam Sơn, Tam Hiệp, Núi Thành) cùng 2 người hàng xóm đã rời nhà đến bến sông Trường Giang rồi chèo ghe xa bờ chừng 400 – 500 m, ngâm mình xuống làn nước lợ để bắt đầu công việc mưu sinh ngày mới – vớt rong câu. Tháng 4, mùa cao điểm cào rong của người dân các làng chài Núi Thành.
Chẳng ai ở cái xã Tam Hiệp biết rong câu và nghề cào, vớt rong câu có từ khi nào. Chỉ biết, khi đủ lớn để có thể dầm mình dưới làn nước nhiều giờ đồng hồ, đến bây giờ khi đã gần 50 tuổi, ông Quân vẫn đều đặn có mặt ở khúc sông này mỗi sáng từ tháng 2 đến chừng cuối tháng 5, khi mùa rong câu đến, để vớt rong câu với tràn đầy hi vọng sẽ trở về bờ với một ghe chở đầy thành quả.
Sông Trường Giang là con sông chạy dọc bờ biển Quảng Nam, đầu sông phía Nam đổ ra biển tại cửa Hòa An (An Hòa) huyện Núi Thành, đầu sông phía Bắc đổ ra biển Cửa Đại (Hội An). Trước khi đổ ra biển, ở ngã ba cửa sông hình thành một vùng nước lợ đi qua xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành). Đây cũng là nơi sinh sôi loài rong câu. Rong câu là một loại tảo thủy sinh, sinh sôi và phát triển ở vùng nước lợ, nơi có các cửa sông đổ ra biển. Rong câu có đặc tính thanh nhiệt, được sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món ăn, thức uống giải nhiệt. Cũng bởi là loại tảo sinh trưởng tự nhiên, khả năng sinh sôi, phát triển tùy theo dòng nước lợ, vì vậy mà người dân ở đây còn gọi thân thiện rong câu là “lộc trời”.
Năm nay, thuận con nước, rong câu phát triển và được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây. Mỗi ngày, khi trời chưa tỏ mặt người, thủy triều rút xuống thấp (vào khoảng hơn 4 giờ sáng) hàng trăm người dân ở xã Tam Hiệp và một số xã lân cận như Tam Hòa, thị trấn Núi Thành lại kéo nhau ra sông vớt “lộc”.
“Nhà nào có ghe, có người lặn dưới nước lâu được thì đi ghe ra xa bờ, để ngâm mình xuống dưới nước vớt rong. Công việc này thường chỉ người đàn ông làm được. Còn không có ghe, hay là phụ nữ thì chỉ lội ra gần bờ để vớt, nhưng gần bờ lượng rong câu ít hơn, chất lượng cũng không bằng ở xa bờ”, ông Quân cho hay.
Phụ nữ không chèo ghe, lặn nước thì lội ra gần bờ để vớt rong câu |
Dụng cụ hành nghề vớt rọng câu đơn giản, chỉ gồm 1 chiếc cào, 1 chiếc túi lưới để đựng rong cào được. “Tôi xuống nước cào rồi bỏ vào túi chuyển lên trên ghe, rồi lấy túi khác (hoặc đổ ra ghe) lặn xuống cào tiếp”, ông Quân miêu tả công việc. Thời gian vớt rong mỗi ngày tùy theo thủy triều, thời tiết, nhưng thường sẽ kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, đến chừng 7 rưỡi, 8 giờ sáng thì vào bờ vì khi đó thủy triều lên cao và mạnh.
Rong câu sau khi được cào, vớt lên sẽ được nhặt sạch rác, rồi bán tươi hoặc bán khô. Rong tươi hiện có giá 5.000 đồng/kg, rong khô có giá khoàng 100.000 – 120.000 đồng/kg tùy độ dài ngắn, độ mượt của rong câu.
“Mỗi ngày chịu khó lặn dưới nước thì cũng có thể khai thác được trên dưới 200 kg. Như hôm nay được nước, Tôi khai thác được hẳn 300 kg rong câu. Nhưng cũng có những ngày chỉ vớt được dưới 100 kg”, ông Quân phấn khởi kể.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Chín (Tam Hiệp, Núi Thành) cũng đã kết thúc buổi cào rong câu. “Chỉ có 2 mẹ con không lặn xuống nước lâu được, Tôi với con gái lội ra gần bờ để vớt. Gần bờ chứ cũng ướt hết, cái giống này nó chìm sâu dưới nước, mình phải cúi sát xuống mới cào vớt được”, bà Chín vừa gỡ rác trên thúng rong câu vừa nói. Dừng tay chỉ ra phía cồn gần đó, bà Chín cho biết chừng 5 giờ sáng ở khu vực này rất rôm rả, vì có hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ đi vớt rong. “Chúng tôi đi theo từng nhóm, vừa có người nói chuyện, vừa đảm bảo nếu lỡ đi vào nơi có xoáy nước thì cũng có người giúp đỡ để đảm bảo an toàn”, bà Chín chia sẻ.
“Cũng cực lắm chứ, nhưng mình là người lao động tay chân, sinh ra từ làng chài, nên việc này thành quen rồi, ai cũng vui, vì mùa rong bao giờ người dân cũng kiếm được một khoản kha khá để trang trải cho cuộc sống”, ông Quân bộc bạch.
Còn bà Chín hồ hởi: “Năm nay được mùa được giá, giữa mùa dịch thế này thu hoạch rong câu mang lại sự an tâm hơn về từng bữa cơm cho gia đình. Nghề này chịu khó vất vả thì có tiền lắm, nhưng đôi khi cũng nguy hiểm, ấy là khi thủy triều lên mạnh dễ bị cuốn ra biển nếu lặn sâu để vớt rong”.
Rong câu tươi được làm sạch và bán với giá 5.000 đồng/kg |
Nhưng cũng theo bà Chín “chẳng có ai bỏ nghề cả. Lộc trời cho nên ai cũng phấn khởi. Chúng tôi cũng chẳng vơ vét, mà khai thác vẫn chừa lại để rong câu tiếp tục sinh sôi cho những tiếp theo. Lao động mà, còn sức khỏe chúng tôi vẫn ra bờ sông này để mưu sinh”.
Sau 8 giờ sáng, phụ nữ thì đi bán rong câu hoặc lo việc nhà, đàn ông quay lại với công việc thường nhật, như ông Quân là chạy xe ôm. Hôm sau họ lại quay vòng ngày mới với những công việc như vậy, đến chừng hết tháng 5.
Bà Chín cho biết, có đôi người chẳng phải vớt để buôn bán, chỉ là mang về nấu canh. Nhưng như là thói quen, tháng 2 đến tháng 5 họ lại ra đây, hòa vào dòng người là con cháu, hàng xóm để tiếp tục bài ca lao động trong niềm vui, hi vọng.