Phú Thọ: Triệt phá đường dây mua bán động vật quý hiếm, có cả hổ hoang dã còn sống Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền tỉnh Phú Thọ để chống hàng giả |
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã có 9 lần ghé thăm Phú Thọ và dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quê hương đất Tổ sự quan tâm đặc biệt. Người đã đi thăm, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị vũ trang hay trò chuyện thân tình với tất cả mọi người, từ người già, trẻ nhỏ, các chiến sĩ đến người nông dân… Người cũng viết nhiều bài báo, gửi thư khen, biểu dương thành tích trong các phong trào thi đua cách mạng của địa phương. Những hình ảnh bình dị, thân thương của Người còn sống mãi trong trái tim hàng triệu người Việt Nam, trong đó có người dân đất Tổ.
Trong những ngày từ Thủ đô hành quân lên chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã dừng chân ở và làm việc gần 1 tháng tại Phú Thọ từ ngày 4/3 - 1/4/1947 với 3 địa điểm là Cổ Tiết (Tam Nông), Chu Hóa (Lâm Thao) và Yên Kiện (Đoan Hùng). |
Lần thứ 1 - ngày 4/3/1947, trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc theo hướng Hà Đông - Sơn Tây - Phú Thọ - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Bắc Cạn, Người đã đến Phú Thọ. Bác Hồ ở Phú Thọ gần một tháng. Để đảm bảo bí mật, Bác đã ở 3 xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng).
Hình ảnh cán bộ, nhân dân Phú Thọ vui mừng, vinh dự đón Bác Hồ về thăm tỉnh. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 2 - tháng 3/1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã có vinh dự lớn khi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị. Nói chuyện thân mật với các cán bộ Đại đoàn, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.
Ngày 19/9/1954, Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 3 – tháng 9/1954, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô sau thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã đến thăm Đền Hùng. Ngày 19/9/1954, Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Tại đây, Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường” và nhấn mạnh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng 1 Tết Bính Thân), Bác Hồ về thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc ở công trường khôi phục cầu Việt Trì (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 4 - ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng 1 Tết Bính Thân), Bác đã về thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc ở công trường khôi phục cầu Việt Trì - địa điểm bị bom đánh sập ngày 9/5/1942. Sau khi đi thăm chỗ ăn, nghỉ của chuyên gia, công nhân, Bác Hồ ra thăm công trường đang chuẩn bị gấp rút nối các nhịp cầu hai bờ sông Lô.
Ngày 20/7/1958, Bác Hồ dự Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 5 - ngày 20/7/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ. Người dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã. Xã Vân Phú (huyện Hạc Trì) là địa phương làm được nhiều phân bón nhất tỉnh Phú Thọ. Nhiều đại biểu đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.
Ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì và nói chuyện với công nhân ở đây (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 6 - ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì (khởi công ngày 28/11/1958). Khi đến nơi, Người đi thẳng vào thăm khu vực nhà ăn của công nhân thi công. Tại đây, Người ân cần hỏi thăm điều kiện làm việc, ăn ở của công nhân và khen ngợi tinh thần lao động hăng say, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân khu công nghiệp.
Ngày 20/3/1961, Bác Hồ đến thăm.cán bộ và xã viên hợp tác xã Đồng Tâm, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 7 - ngày 20/3/1961, cán bộ và xã viên hợp tác xã Đồng Tâm, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Trong buổi nói chuyện với hơn 200 cán bộ, xã viên hợp tác xã, Bác đã khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và bà con xã viên đã tích cực khai hoang, mở rộng diện tích và nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Địa phương này là điểm sáng nông nghiệp của miền Bắc, đi đầu trong phong trào “phá xiềng 3 sào” và có thành tích bước đầu về tổ chức sản xuất, khai phá đồi trọc…
Ngày 18 và 19/8/1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 8 - ngày 18 và 19/8/1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Trước đó, với những thành tích đã đạt được trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm “Cải tạo bước đầu phát triển kinh tế- xã hội (1958- 1960)” và năm đầu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Phú Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua khá nhất, Chính phủ thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất về thành tích “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc”.
Ngày 26/1/1964, Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) - đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc. (Ảnh: Tư liệu) |
Lần thứ 9 - ngày 26/1/1964, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vinh dự được Bác Hồ về thăm. Đây là địa phương tích cực hưởng ứng lời kêu gọi thi đua thực hiện “Tết trồng cây” năm 1960 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1962 đến năm 1964, xã Vinh Quang luôn là đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc.
Luôn hướng về Bác kính yêu, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ một lòng phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành công nhất định, đóng góp vào sự nghiệp chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.