Bài 2: Kết nối, khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường
Những năm qua, đường lối "ngoại giao cây tre" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chỉ đường đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của đất nước, liên tục mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế, hội nhập toàn cầu, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng được thế giới ghi nhận, duy trì hòa bình và ổn định ngay cả trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.
Gần 40 năm qua, từ một nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành 1 trong 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, là 1 trong 15 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới và đứng thứ 45 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Không những vậy, Việt Nam luôn duy trì mức tăng GDP khá cao và ổn định; giai đoạn 2021 - 2023 đạt trung bình 5,5%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt 6,5% - 7,0%.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc...
Các thành tựu trên có được là do Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, và ngoại lực là quan trọng đột phá; đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp chiến lược: về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Và có thể nói, như chính niềm tự hào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Vai trò kết nối được phát huy...
Những năm qua, kiên định thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của đồng chí Tổng Bí thư và là một Bộ quản lý đa ngành, trong đó có quản lý về xuất nhập khẩu, mục tiêu luôn được đề ra rõ ràng trong nhiệm vụ công tác năm của Đảng ủy Bộ Công Thương. Bộ Công Thương cũng luôn xác định nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội. Trong đó, một trong những kênh thông tin vô cùng quan trọng đến từ các Thương vụ.
Với vai trò tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới công tác thương vụ. Từ chỉ đạo của Bộ trưởng, cứ cuối tháng, các cuộc giao ban xúc tiến thương mại giữa các đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước với cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã diễn ra một cách đều đặn |
Đến nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 Thương vụ và chi nhánh Thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 Thương vụ và 4 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm là 55; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm là 60. Ngoài ra, có một phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (1 trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Song, bối cảnh thị trường thế giới và trong nước những năm gần đây chịu tác động mạnh mẽ từ những cuộc xung đột địa chính trị trên toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trong nước. Với vai trò tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới công tác thương vụ, các hoạt động của Thương vụ phải mang tính hiệu quả, thiết thực nhất là khâu đột phá khẩu của công tác xúc tiến thương mại. Và từ chỉ đạo của Bộ trưởng, cứ vào mỗi cuối tháng, các cuộc giao ban xúc tiến thương mại giữa các đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước với cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã diễn ra một cách đều đặn. Mỗi một cuộc họp đều có các chủ đề rõ ràng về khu vực thị trường, về ngành hàng xuất khẩu. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần bố trí thời gian để trực tiếp chủ trì các cuộc giao ban này.
Tính từ tháng 7/2022 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức 22 kỳ Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 770 báo cáo cập nhật thông tin thị trường, khoảng 170 nội dung tham luận. Các Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, hơn 500 lượt đề xuất, kiến nghị đã được xử lý, giải quyết.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, 6 Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu. Các đơn vị đã cung cấp chi tiết gần 180 báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cung cấp hơn 25 nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá về hiệu của của từ các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng |
Đánh giá về hiệu quả của từ các Hội nghị giao ban, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, đến nay, sự tham gia chủ động, tích cực của địa phương, hiệp hội ngành hàng, đông đảo doanh nghiệp đã giúp Hội nghị trở thành cầu nối trao đổi, thông tin hiệu quả, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng đại diện cộng đồng doanh nghiệp ở trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới từ các thị trường, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững và nhập khẩu hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ về hiệu quả của phương thức xúc tiến thương mại này, bà Nguyễn Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - chỉ rõ, trong bối cảnh thế giới luôn biến động không ngừng, thông tin nhanh và nhạy bén là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp. Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, với phương châm "lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ", đang hàng ngày nỗ lực để trở thành "ăng ten", "cánh tay nối dài" ra thế giới, và trở thành "đội phản ứng nhanh" cho doanh nghiệp.
"Chính vì vậy, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước được tổ chức định kỳ hàng tháng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua sự kiện này, thông tin cập nhật tại các thị trường trên toàn thế giới sẽ được truyền tải nhanh nhất đến Bộ trưởng, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để có các quyết sách phù hợp, kịp thời và tận dụng từng cơ hội, dù nhỏ nhất, để khai thác các thị trường ngoài nước. Theo chiều ngược lại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng biết đến hệ thống thương vụ nhiều hơn, tạo ra mạng lưới kết nối chặt chẽ, cùng thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư", bà Thúy nhấn mạnh.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, vai trò của các Thương vụ như "cầu nối" kể cả mặt thông tin hay thậm chí là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc Lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp giao ban với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về xúc tiến thương mại sẽ có tác động lớn và rất tích cực. Bộ Công Thương đang xây những "cây cầu" vững chắc cho doanh nghiệp Việt.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh là sản phẩm hàng hóa Việt Nam được quảng bá tại thị trường Ấn Độ |
Từ những quyết sách đúng đắn của Đảng đến những nỗ lực lớn của các bộ, ngành, trong đó có công tác giao ban Thương vụ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Tính riêng 10 năm (từ 2012 đến 2021), tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam thành một trong những nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Năm 2023, trước những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu, thương mại hàng hóa sụt giảm, nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu được khơi thông, mở rộng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác hội nhập kinh tế tiếp tục được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương theo tinh thần Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ với phương châm "lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ". Những hoạt động này đã góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp với ngành Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Nổi bật là đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác lớn, tiềm năng. Các FTA này đi vào thực thi giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác, tận dụng hiệu quả để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hội chợ Thương mại Việt - Lào: Cầu nối kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước |
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ đàm phán, ký kết 5 FTA song phương và đa phương, nâng tổng số FTA đàm phán, ký kết và thực thi đến nay là 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong số này, có 15 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã ký kết chờ phê chuẩn để đi vào thực thi với hơn 60 đối tác, phủ kín các Châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, cùng 3 FTA đang đàm phán, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ thâm hụt sang thặng dư).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nền kinh tế toàn cầu năm 2024 đã và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản dựng lên những "hàng rào kỹ thuật" mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động và môi trường... đối với các sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, việc thâm nhập và mở rộng thị phần mang tính đột phá tại các thị trường ngoài nước thời gian tới sẽ là nhiệm vụ ưu tiên của ngành Công Thương trong công tác khơi mở thị trường xuất khẩu.
Hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ, của người đứng đầu ngành Công Thương, ông Nguyễn Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, thời gian qua Thương vụ đã và đang khai thác, tìm thị trường mới cho các sản phẩm Việt độc đáo, đặc trưng trên nguyên lý ngàn đời nay của thương mại "mua của người chán, bán cho người thèm".
"Thương vụ đã đưa nội dung kết nối giữa các địa phương Việt Nam với doanh nghiệp phân phối nông sản tại Ba Lan vào chương trình công tác, đề nghị đoàn công tác của Việt Nam sang Ba Lan mang thêm một số sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu. Đây là mô hình tiềm năng để kết hợp nội dung xúc tiến thương mại vào chương trình các đoàn công tác địa phương", Tham tán Thương mại Nguyễn Sơn cho biết.
Hay như với thị trường Thụy Sỹ, ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, hai nước còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Bởi, do đặc điểm của nền kinh tế Thụy Sỹ, những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút hợp tác, đầu tư từ nước này là: Cơ khí (đặc biệt là cơ khí chính xác); Thiết bị y tế; Hóa dược; Công nghệ thông tin - Số hóa; Năng lượng tái tạo; Công nghiệp thực phẩm... Để làm được điều này, Thương vụ kiến nghị hai bên thúc đẩy đàm phán và ký kết FTA với khối EFTA (trong đó có Thụy Sỹ) nhằm tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, công nghiệp giữa hai nước.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, với việc tập trung thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam đã đúng khi theo đuổi chính sách tự lực thông qua hội nhập, nhằm tăng thị phần đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, bao gồm cả những hàng hóa và dịch vụ có lợi thế mà nhu cầu thế giới đang ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam có thể sẽ mất khả năng cạnh tranh trong một số mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về giá, nhất là những ngành hàng sản xuất thâm dụng lao động hay như ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc phải nhanh chóng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới khi nhu cầu có thể sẽ ngày càng tăng lên.
Để có thể thúc đẩy và phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững và nâng tính cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với định hướng phát triển xuất khẩu theo các nhóm hàng cụ thể để phát huy lợi thế so sánh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc thân thiện với môi trường..., việc cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, mở rộng hơn các thị trường xuất khẩu để đảm bảo hợp lý hóa cán cân thương mại với các nước đối tác là rất quan trọng lúc này.
Còn nữa...