1,5 tỉ lượt xem đổ về các web bóng đá lậu
Trong 1 năm qua, gần 1.000 website bóng đá lậu bị ngăn chặn truy cập. Ảnh: Khánh An |
Thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn
Thông tin tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số”, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay vi phạm bản quyền diễn ra hết sức phức tạp, có hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) của các giải bóng đá và phim.
Ông Hải dẫn số liệu từ SimilarWeb cho thấy, khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỉ lượt xem trong những năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng (trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng).
Thời gian gần đây, phát hiện một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh của Nhật Bản. Việc ăn cắp vi phạm bản quyền truyện tranh cũng đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt của các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Đặc điểm của các website vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin. Các website này hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý website lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.
Hình thức vi phạm điển hình của các website vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh..., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách livestream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung.
Hàng loạt biện pháp kỹ thuật
Ông Hải cho hay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng Cục An toàn thông tin và các chủ sở hữu bản quyền phát hiện website vi phạm, xác minh điều tra các nội dung vi phạm và gửi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thực hiện ngăn chặn việc người dùng Internet Việt Nam truy cập vào các web vi phạm.
Điều này đồng nghĩa với việc người dùng ở Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, máy tính sẽ không truy cập được website vi phạm, nhưng người ở nước ngoài vẫn truy cập được.
"Ở đây, chúng tôi chỉ ngăn chặn trên lãnh thổ Việt Nam" - ông Hải nói.
Quy trình là sau khi chủ thể quyền sở hữu gửi đơn kèm tài liệu chứng minh quyền và bằng chứng vi phạm, cơ quan nhà nước sẽ xem xét, ra quyết định ngăn chặn. Tiếp đó các ISP sẽ tiến hành ngăn chặn, ngừng cung cấp dịch vụ DNS (hệ thống phân giải tên miền) cho tên miền của các website lậu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Theo thống kê, từ tháng 8.2022 đến tháng 8.2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền sở hữu để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu.
"Tuy vậy, biện pháp kỹ thuật nêu trên vẫn đang tồn tại một số bất cập, đó là biện pháp chặn chưa thống nhất giữa các ISP. Thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn.
Trong khi đó, biện pháp chặn truy cập vào các trang vi phạm bản quyền đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Khảo sát cho thấy, 23% người dùng Internet Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập" - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số cho hay.
Đại diện Trung tâm Bản quyền nội dung số cũng đề xuất các giải pháp cần hướng tới để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng hiệu quả. Đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN).
Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.