10 Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021
1. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức
Trưa 20/1/2021 (rạng sáng 21/1 theo giờ Việt Nam), ông Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Tổng thống Joe Biden khẳng định, các thỏa thuận thương mại mới không phải là ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện nay. Thay vào đó, tập trung ưu tiên vào nhiều chính sách công nghiệp hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.
2. WTO có Tổng giám đốc mới và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 đột ngột bị hoãn lần thứ hai
Tháng 2/2021, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã chính thức trở thành Tổng giám đốc mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên đảm nhận vị trí này. Sự bổ nhiệm này đã lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới đang cần được cải cách sâu rộng. Cũng trong năm 2021, sự xuất hiện bất ngờ của biến thể mới Omicron cuối tháng 11 đã khiến Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 đột ngột bị hoãn lại lần thứ hai, kéo dài 4 năm gián đoạn.
3. Nghị viện châu Âu bỏ phiếu về Thỏa thuận hợp tác và thương mại với Anh, giai đoạn cuối của Brexit
Brexit đã xảy ra (vào ngày 31/1/2020) và trong suốt năm 2020 không được chú ý nhiều vì vẫn là giai đoạn chuyển tiếp, Vương quốc Anh tiếp tục được hưởng các lợi ích của tư cách thành viên. Điều này đã kết thúc vào ngày 31/12/2020. Tuy nhiên đến nay, các vấn đề thực thi hậu Brexit vẫn đang gây tranh cãi giữa EU và Anh, thậm chí, EU tính đến cả việc chấm dứt thỏa thuận thương mại Brexit nếu Anh từ bỏ Nghị định thư Bắc Ireland.
4. Suy thoái kinh tế bắt đầu lộ rõ
Dù vắc-xin đã góp phần giúp các quốc gia nới lỏng dần các hạn chế đối với đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa thể kết thúc. Điều này có nghĩa là kinh tế tiếp tục bị gián đoạn ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trở nên rõ ràng và diễn ra đồng thời với tình trạng thiếu lao động.
5. Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu mới
Mức thuế tối thiểu toàn cầu mới là 15% nhằm đảo ngược cuộc đua giảm thuế suất kéo dài hàng thập kỷ đối với các tập đoàn trên toàn thế giới. Gần 140 quốc gia đại diện cho hơn 90% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu đã tán thành thỏa thuận này. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, mức thuế tối thiểu mới chỉ áp dụng cho các công ty có doanh thu hàng năm trên 850 triệu USD, dự kiến tăng thêm khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu mỗi năm.
6. COP26 đạt được thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu
Với sự tham gia trở lại của Mỹ và thúc đẩy nghị sự xanh, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 hoặc 2060, và tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than, loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững.
7. Thế giới đối diện với khủng hoảng năng lượng
Giá khí đốt bán buôn tăng liên tục đã khiến các công ty điện nước không có khả năng chuyển chi phí và tình trạng thiếu hụt rộng hơn đã đặt ra nhu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có đối với thế giới trong việc vừa giải tỏa "cơn khát" nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế
8. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn với nhiều đứt gãy
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những rắc rối trong chuỗi cung ứng gia tăng, chủ yếu liên quan đến Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với việc tăng giá nguyên vật liệu cũng là một nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng.
9. Nhiều ứng viên xin gia nhập Hiệp định CPTPP
Sau khi Vương quốc Anh chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2021 cũng đã chứng kiến động thái mới nhất của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều xin gia nhập hiệp định này. Hàn Quốc, Thái Lan cũng đã có kế hoạch gia nhập CPTPP, điều này cho thấy CPTPP có sức hấp dẫn rất lớn.
10. Hiệp định RCEP thực thi từ năm 2022
Sau khi được ít nhất 6 nước ASEAN (bao gồm cả Việt Nam) và 4 nước đối tác hoàn tất phê chuẩn trong năm 2021, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á đã dự đoán rằng, RCEP sẽ góp phần đáng kể vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.