Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật
Theo đó, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023).
Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Tiếp đó, xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, về quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, dự thảo Luật quy định rõ các loại tài liệu lưu trữ điện tử; bản số hóa tài liệu lưu trữ; chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; kho lưu trữ số; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.
Các quy định bổ sung nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và đặt ra những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số và kho lưu trữ số để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số, đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Đối với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Cùng với đó, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Ngoài ra, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học, công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...