Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ chuyển biến tích cực
Sáng 23/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về lĩnh vực giao thông đường bộ, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành các chủ trương, các văn bản chỉ đạo, điển hình là Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ, các bộ chức năng đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Qua hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống của người dân được cải thiện từng bước, đồng thời là sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo, trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại, phát sinh chưa được giải quyết triệt để. Những đặc điểm, tình hình trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua.
Nêu các kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Tấn Tới cho hay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đường bộ đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt, duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong cộng đồng.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực: Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.
Đề nghị bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.
Mặt khác, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện các quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tiếp thu, chỉnh lý, xem xét, thông qua Luật đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ưu tiên phân bổ nguồn lực cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ kịp thời, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi được Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ với các hình thức sinh động, phong phú, phù hợp theo chủ đề, đối tượng, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông của từng địa phương.
Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để xây dựng, kết nối và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ; xây dựng hệ thống báo cáo và phân tích tình hình trật tự an toàn giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh.