Quảng Nam: Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm
Bắt buộc niêm yết giá
Những ngày gần đây, mặc dù sức mua chưa nhiều nhưng giá của một số hàng hoá, thực phẩm nhưng rau củ quả, thịt, cá tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu rục rịch tăng.
Ghi nhận tại Chợ Vĩnh Điện - một trong những đầu mối mua bán đông đúc ở thị xã Điện Bàn, tại quầy thịt, cá, tìm hiểu sơ bộ cho thấy, giá tăng từ 5.000 – 30.000 đồng/kg. Một tiểu thương cho biết, tại chợ không có niêm yết giá, kể cả mặt hàng vải vóc, giày dép, chủ yếu là “thuận mua vừa bán” bởi giá tăng giảm hàng ngày và phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, chi phí vận chuyển, nguồn hàng...
Ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện cho hay, rất khó thực hiện việc niêm yết giá hàng hoá mặc dù đã tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương. “Chuyện này của bên quản lý thị trường, còn chúng tôi chỉ quản lý an ninh trật tự, nếu có phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng thì báo cáo các cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý”, ông Tuất nói.
Do không niêm yết giá nên tình trạng nâng khống giá thường diễn ra, nhất là trong những thời điểm thiên tai, các dịp lễ, Tết cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Cục quản lý thị trường tỉnh sẽ xử lý nghiêm trường hợp bán giá không đúng niêm yết. Ảnh: V.L |
Theo ông Lương Viết Tịnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trưởng Quảng Nam, bên cạnh nguyên nhân nguồn cung hàng hoá không đủ thì một số tiểu thương, doanh nghiệp thường lợi dụng những thời điểm khó khăn về hàng hóa để nâng khống giá bất hợp lý, cho nên bắt buộc tất cả hàng hóa bán phải niêm yết giá.
"Từ đây đến cuối năm chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát về giá tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, kể cả kiểm tra việc doanh nghiệp đăng ký giá với các cơ quan chuyên môn và công khai giá bán. Xử lý nghiêm trường hợp bán giá không đúng niêm yết”, ông Tịnh thông tin.
Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường
Để thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.
Về phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2022 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, các đội Quản lý thị trường sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh và các tuyến phố buôn bán sầm uất…
Các trung tâm thương mại, siêu thị dự trữ hàng cuối năm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: V.L |
Nội dung kiểm tra sẽ tập trung chủ yếu vào việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; các quy định về ghi nhãn hàng hóa; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy mẫu nguyên liệu, sản phẩm phân tích các tiêu chí về chất lượng theo quy định. Đồng thời, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện lưu thông, kịp thời phát hiện hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…
Ông Lương Viết Tịnh thông tin thêm, dịp trước trong và sau Tết sẽ là cao điểm của tình trạng gian lận thương mại do các nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao. Vì thế, không chỉ hàng tăng giá khống, dự báo hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng sẽ xâm nhập vào thị trường dịp này.
“Ngoài sự vào cuộc của các cấp ban ngành, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, kịp thời thông báo về đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 nếu phát hiện các trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng để Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý”, ông Tịnh nói.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng sẽ thường xuyên giám sát mặt hàng xăng dầu, bảo đảm nguồn cung phục vụ cho nhu cầu người dân dịp Tết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu hoặc tình trạng doanh nghiệp giảm thời gian bán xăng dầu như đăng ký. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là tại các vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Mới đây 13/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian bắt đầu triển khai từ hôm nay 15/12/2022 đến hết 12/3/2023. |