Chương trình “Sinh kế cộng đồng” được triển khai từ năm 2017 đến nay nhằm hỗ trợ cho sản phẩm thủ công, nông sản địa phương từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ, từ đó góp phần tạo sinh kế bền vững cho bà con đồng bào dân tộc. |
Sinh kế bền vững từ Chương trình Sinh kế cộng đồng |
Sơn Hà là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích 72.816ha, trong đó diện tích rừng chiếm hơn 60%. Đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp song vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, quy mô hộ gia đình, chủ yếu tự cung tự cấp. Địa phương là huyện thuần nông, cư dân chủ yếu là dân tộc Hrê, Kinh, Ca Dong, một ít người dân tộc Cor... Bà con ngày trước chủ yếu trồng mía đường, song giá mía đường giảm, liên tiếp xảy ra cháy rừng, dịch tả lợn châu Phi dẫn đến đời sống càng khó khăn. Nhận thấy được xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, gần gũi với thiên nhiên của người dân hiện nay, trong khi Sơn Hà là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các sản phẩm, thực phẩm sạch như: rau dớn, rau ngót rừng, bắp chuối, ớt xiêm rừng, heo Ky, gà Kiến thả đồi… Có được sản phẩm đã khó, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm càng khó hơn. Song, may mắn đã đến khi nhiều hộ dân thuộc huyện Sơn Hà được tham gia chương trình Sinh kế cộng đồng do Tập đoàn Central Retail tổ chức. Theo đó, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất, được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ thời gian thanh toán ngắn ngày và hoàn toàn không có lãi suất, cam kết hợp tác và hỗ trợ dài hạn từ Central Retail để có thể phát triển bền vững. |
Tại huyện Sơn Hà, chương trình đã và đang mang lại những hỗ trợ tích cực cho người nông dân nghèo, mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống. Thông qua kênh phân phối hỗ trợ của Tập đoàn Central Retail, giá thành sản phẩm được nâng cao, mỗi năm tăng thu nhập cho người dân huyện Sơn Hà từ 6 - 7 tỷ đồng. Huyện Vân Hồ - Sơn La cũng là một trong những địa phương sở hữu mô hình sinh kế cộng đồng của dự án. Đến nay, sau 05 năm triển khai dự án, cách thức sản xuất của 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, H’Mông) tham gia dự án đã thay đổi theo hướng tích cực: sản xuất theo nhu cầu thị trường; canh tác tập trung, có sự hợp tác giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã với nhau và với Doanh nghiệp; biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu logo “Rau an toàn Vân Hồ” và đặc biệt là hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp cũng như ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo phương pháp rau an toàn và VietGAP. Anh Vàng A Sa (35 tuổi, bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa – Trưởng nhóm của dự án Vân Hồ cho biết, mấy năm trước, gia đình anh vốn mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống trên khoảng đất 1.000 m2, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, canh tác trước đây chủ yếu là trồng đậu, bí… ít chủng loại, sản lượng thấp, chất lượng kém do cách thức canh tác lạc hậu, dựa theo kinh nghiệm là chính. Hệ quả là, đầu ra sản phẩm không ổn định, do chỉ bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá. Không tiếp cận được thị trường. Sản phẩm mạnh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Không có sự liên kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với Hợp tác xã, Doanh nghiệp; chưa có chuỗi giá trị và không có bất kỳ sản phẩm nào được tiêu chuẩn hóa, nhãn hiệu, bao bì… Cơ hội đến với anh Vàng A Sa, khi Ban điều hành chương trình Sinh kế cộng đồng đã chọn lựa Vân Hồ làm nơi triển khai dự án Sinh kế kể từ tháng 6/2018. Sở dĩ chọn địa bàn này là bởi, Vân Hồ là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, và nơi đây có đa số là đồng bào thiểu số sinh sống. Từ khi tham gia dự án Sinh kế Cộng đồng, anh Vàng A Sa đã được cán bộ phụ trách chương trình sinh kế của Central Retail và cán bộ khoa học từ tổ chức Phi chính phủ ACIAR (Úc) hỗ trợ tập huấn về sản phẩm; được tư vấn kiến thức về thị trường, định hướng sản xuất; và được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, giá thành tốt, phù hợp với khí hậu của huyện Vân Hồ. Tới nay, khoảng 70% nông sản của HTX Vàng A Sa sản xuất được Central Retail tiêu thụ thông qua hệ thống GO! / Big C – tương ứng với khoảng 250 tấn nông sản các loại (bắp cải, đậu cove, dưa chuột, bầu dài, bí đỏ, bí xanh, su hào, khoai lang ruột vàng, củ cải trắng, cải thảo…), đạt doanh thu trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ đó, cuộc sống của Vàng A Sa và 39 hộ dân tham gia dự án Sinh kế Cộng đồng đã dần thay đổi, nhờ thu nhập đã tăng 200%, giá trị sản xuất tăng gấp đôi, từ 25- 30 triệu đồng/ha lên 50 – 60 triệu đồng/ha. “Đáng chú ý, ngoài việc bán vào hệ thống GO! / Big C, sản phẩm của HTX Vàng A Sa còn được tiêu thụ ở nhiều kênh phân phối khác trên cả nước” – anh Vàng A Sa cho biết. |
Còn tại Quy Nhơn, Dự án Sinh kế Cộng đồng K’Bang được triển khai tại xã Đông, Huyện K’Bang, Tỉnh Gia Lai. Dự án thu hút sự tham gia của 48 hộ nông dân trong đó hơn 30% là đồng bào dân tộc Ba Na. Sau một thời gian triển khai, chuyến hàng đầu tiên với các mặt hàng rau củ tươi ngon từ vùng núi Gia Lai đã được tiêu thụ vào hệ thống siêu thị GO! và Big C ở khu vực miền Trung (Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Huế). Theo UBND Huyện K’Bang, sự hỗ trợ từ tập đoàn Central Retail giúp sản phẩm rau củ của bà con nông dân K’Bang trong dự án Sinh kế Cộng đồng vào được các siêu thị hiện đại là bước ngoặt lớn, mang đến nguồn thu nhập ổn định và cải thiện sinh kế của bà con đồng bào. Huyện K’Bang sẽ tiếp tục tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với tập đoàn Central Retail để có thể nhân rộng và triển khai dự án Sinh kế Cộng đồng K’Bang một cách bền vững. |
8 mô hình được xây dựng thành công |
“Sinh kế cộng đồng” là chương trình được phát động bởi Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Đến nay, chương trình đã xây dựng được 8 mô hình tại Sơn Hà – Quảng Ngãi, Vân Hồ - Sơn La, Bình Định, A Lưới – Thừa Thiên Huế, Sapa – Lào Cai, Mường Khương – Lào Cai, Bắc Kạn, K’Bang - Gia Lai. Đây là chương trình của Tập đoàn nhằm đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình “Sinh kế cộng đồng”, ra mắt cuối năm 2017, nhằm hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các xã khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng. Với chương trình “Sinh kế Cộng đồng”, Central Retail Việt Nam giúp người nông dân, ngư dân có thể ổn định và phát triển thu nhập, tiến tới cuộc sống khá giả từ chính những sản phẩm của mình. |
Kể từ khi ra mắt năm 2017, chương trình đã giúp tiêu thụ gần 1000 tấn nông sản vào chuỗi siêu thị GO!/Big C thuộc tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, giúp cải thiện đời sống hơn 700 hộ nông dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Đánh giá về hiệu quả của Chương trình Sinh kế cộng đồng, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đánh giá, tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện về địa hình, giao thông vận tải, trình độ dân trí của người dân vẫn còn đang có nhiều hạn chế thì việc triển khai chương trình “Sinh kế cộng đồng” là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để tạo việc tạo việc làm, tạo thu nhập cho bà con. Đặc biệt là hàng hóa của bà con dân tộc đã đưa được vào với thị trường, mở ra cơ hội thị trường cho các mặt hàng nông sản sạch trong nước. Từ đó, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trong hệ thống phân phối hiện đại. |
Sức lan toả mạnh mẽ |
Khác với hoạt động mua bán thông thường của Central Retail, Sinh kế cộng đồng hướng tới những nhà cung cấp rất nhỏ, cụ thể ở đây là những hộ kinh doanh cá thể đang rất khó khăn, các hộ gia đình người dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, đây là những hộ gia đình có năng lực về sản xuất, tức là họ có làm ra được một sản phẩm đặc thù, có giá trị thương mại nhưng họ không có đầu ra, họ không biết cách tiêu thụ như thế nào hay cũng không biết tham gia vào các chuỗi thương mại như thế nào, thì đó là lúc Central Retail sẽ xuất hiện để triển khai dự án hỗ trợ. |
Tập đoàn Central Retail nhận định, kết quả 8 dự án của Chương trình vẫn còn là hạn chế, mà chủ yếu do quá trình nhân rộng mô hình Sinh kế cộng đồng cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, con người, kỹ thuật và quan trọng là nhiều bên chung tay vào cuộc mới có thể triển khai được. Tuy nhiên, sức lan toả của Chương trình Sinh kế cộng đồng là điều không thể phủ nhận. Từ thành công của chương trình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý hỗ trợ 2 đề án phát triển ớt xiêm (1 tỷ đồng) và phát triển gà kiến Sơn Hà (4 tỷ đồng) giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn huyện có 70 hộ được chia làm 5 nhóm trực tiếp tham gia sản xuất và hơn 100 hộ của 3 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tham gia canh tác, sản xuất đóng góp vào chuỗi giá trị sản xuất nông sản sạch. Bà con nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có 3 hình thức trồng nông sản sạch gồm: trồng xen rừng công nghiệp, trồng xen rừng tự nhiên và trồng thùng (trồng ở đất trống). Các sản phẩm được bà con phân phối thu hoạch trồng ổn định, quy hoạch vùng nguyên liệu một cách rõ ràng, bảo tồn nguồn giống cây trồng. Từ đó giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng và được các kênh phân phối dễ chấp nhận. Hay tại Vân Hồ - Sơn La, Dự án sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ đã giúp cải thiện cuộc sống của gần 40 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án Vân Hồ, bởi thu nhập của họ đã tăng 200% nhờ giá trị sản xuất tăng gấp đôi: từ chỗ trước đây mỗi năm chỉ sản xuất 01 vụ đạt 25 – 30 triệu đồng/ ha, thì nay thu nhập của bà con đã tăng lên 50 – 60 triệu đồng/ha, nhờ sản xuất thêm rau trái vụ, tức sản xuất quanh năm thay vì chỉ 06 tháng như trước đây. Thành công của dự án Sinh kế Cộng đồng đã giúp người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường có thể tránh rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Nông sản từ chỗ chỉ cung ứng chủ yếu cho Tập đoàn Central Retail đã giúp tiêu thụ nông sản ở nhiều chuỗi phân phối khác, từ đó mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên cương của tổ quốc. |
Phương Lan - Linh Chi
|