Hiện, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII đã và đang được Tỉnh ủy triển khai mạnh mẽ đặc biệt là công tác nhân sự. Sau khi có Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đang tích cực chuẩn bị nội dung phục vụ đại hội. Trong đó, có 2 nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội Đảng là: Thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội. |
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình. Công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII đã và đang được Tỉnh ủy triển khai như thế nào, thưa ông? Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 260-KH/TU, ngày 26/7/2024 về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025- 2030 và một số văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội các cấp; tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó tập trung quán triệt một số quan điểm định hướng, đó là: Thứ nhất, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nghiêm túc tổ chức quán triệt Kế hoạch số 260-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Thứ hai, xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình; lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Thứ ba, thành lập các Tiểu ban giúp việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội; phân công Ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Đảng bộ cấp dưới; tổ chức Đại hội điểm để rút kinh nghiệm; chủ động nắm tình hình, kịp thời có biện pháp xử lý đối với những nơi có khó khăn hoặc có vấn đề phức tạp nảy sinh. Thứ tư, Ban Thường vụ cấp ủy cấp dưới báo cáo việc chuẩn bị văn kiện và Đề án nhân sự cấp ủy khóa mới, khi được Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý mới tiến hành Đại hội. Theo đó, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 của tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện 4 nội dung gồm: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 – 2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội 14 của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng cấp trên. Bên cạnh đó, thời gian tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp được tổ chức theo lịch trình cụ thể: Đối với Đại hội đảng viên đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở không quá 1,5 ngày, hoàn thành trước ngày 28/02/2025. Đối với Đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở: không quá 2 ngày và hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Những tổ chức cơ sở Đảng được lựa chọn Đại hội điểm tiến hành trong tháng 3/2025. Đối với Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương: Không quá 3 ngày, hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Đơn vị được tỉnh chọn đại hội điểm tiến hành trong tháng 6/2025. Cuối cùng, đối với Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Công tác chuẩn bị các văn kiện và thực hiện các quy trình nhân sự theo đúng quy định, báo cáo đề án nhân sự với Bộ Chính trị trước ngày 30/7/2025. Để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 18, Tỉnh ủy Hòa Bình đã quyết định thành lập 3 Tiểu ban: Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban văn kiện; Tiểu ban tổ chức, phục vụ Đại hội. Nhân sự tham gia các Tiểu ban gồm các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành. Đến nay, các Tiểu ban thành lập Tổ giúp việc, ban hành Quy chế làm việc, kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm các thành viên, đã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch. |
Một trong những nội dung quan trọng của các kỳ đại hội đó là công tác chuẩn bị nhân sự, vậy Hòa Bình có những giải pháp như thế nào để lựa chọn, sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa ông? Liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự, đây là vấn đề rất quan trọng, đóng vai trò then chốt trong thực thi các nhiệm vụ chính trị. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác chuẩn bị nhân sự phải làm thận trọng, “làm đến đâu, chắc đến đó”, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ tới. Chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện các yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 20/6/2022 về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiếu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 bảo đảm có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ cấu hợp lý, có sự kế thừa, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ đáp ứng, yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới. |
Qua đó, đã thực hiện sát hạch được 117/171/194 đồng chí tham gia Đề án; tổ chức tập huấn cho 106 đồng chí tham gia đề án; ban hành Quy chế để sử dụng đội ngũ cán bộ tham gia Đề án. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện công tác rà soát quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 ở cấp tỉnh đảm bảo theo quy định. Cụ thể, Ban Chấp hành gồm 44 đồng chí, đạt 0,8 lần so với số lượng cấp ủy đương nhiệm, trong đó, nữ có 8 đồng chí, chiếm 18,2%; dân tộc thiểu số là 24 đồng chí, tương đương 54,5%. Về tuổi đời, dưới 40 tuổi có 1 đồng chí, chiếm 2,3%, từ 40 - 50 tuổi có 21 đồng chí, chiếm 47,7%; trên 50 tuổi có 22 đồng chí, chiếm 50%. Đối với Ban Thường vụ, có 12 đồng chí, đạt 0,8 lần so với số lượng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đương nhiệm, trong đó: Nữ chiếm 25%; 100% là dân tộc thiểu số; tuổi đời: Từ 40 - 50 tuổi chiếm 66,7%, trên 50 tuổi chiếm 33,3%. Cùng với đó, các chức danh cán bộ lãnh đạo tỉnh: Bí thư Tỉnh ủy: 2 đồng chí, Phó Bí thư Tỉnh ủy: 5 đồng chí; Chủ tịch HĐND tỉnh: 3 đồng chí; Chủ tịch UBND tỉnh: 02 đồng chí; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: 03 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ thống nhất với chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh; thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát quyền lực, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện luân chuyển, điều động một số cán bộ trẻ, cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, có chiều hướng và khả năng phát triển là cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh giới thiệu bầu giữ chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các huyện, thành phố và ngược lại,... bảo đảm sự phát triển, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện cán bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ, để chuẩn bị nguồn cán bộ trong trước mắt và về lâu dài. Từ đầu nhiệm kỳ đến 12/2023, Hòa Bình đã thực hiện luân chuyển 66 đồng chí giữ các chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó: Từ Trung ương về tỉnh: 2 đồng chí, từ tỉnh về huyện: 7 đồng chí, từ huyện về tỉnh: 2 đồng chí, từ huyện này sang huyện khác: 3 đồng chí, từ huyện về xã: 42 đồng chí, từ xã về huyện: 10 đồng chí. Cuối cùng là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ. Tập trung đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo gắn với vị trí việc làm, nâng cao lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng về chuyên môn, quốc phòng an ninh được quan tâm chú trọng, đạt hiệu quả. Theo đó, chúng tôi đã cử 285 đồng chí đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị; mở 21 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính với 1.282 học viên; chỉ đạo theo phân cấp mở các 29 lớp Sơ cấp lý luận chính trị với 1.546 học viên. Có thể khẳng định, công tác phê duyệt quy hoạch nhân sự đã đảm bảo nguồn nhân sự giới thiệu bầu cử đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo quy định. Xin cảm ơn ông! |
Có thể khẳng định, công tác phê duyệt quy hoạch nhân sự đã đảm bảo nguồn nhân sự giới thiệu bầu cử Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo quy định.
|
Nội dung: Thu Hường Đồ họa: Ngọc Lan - Ảnh: Minh Kỳ - Thanh An |