'Cất' bằng thạc sĩ, cô gái trẻ về quê khởi nghiệp với cà phê
Mai Thị Thanh Nga, cô gái 29 tuổi ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), đã đánh cược những năm trên giảng đường đại học để được sống với đam mê của riêng mình bằng khởi nghiệp với cà phê. |
|
Đánh cược với chính mình
Sau 7 năm gắn bó trên giảng đường đại học, tháng 5/2022, chị Nga tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành triết học của Trường Đại học Khoa học Huế. Tuy nhiên, đam mê với cà phê nhen nhóm trong quá trình học đã khiến chị Nga quyết định về quê mở bán cà phê, một lĩnh vực không hề liên quan đến ngành nghề được đào tạo. Bỏ công việc ổn định, quần áo là lượt để chấp nhận một cuộc sống sẽ có lúc bấp bênh, chị Nga khiến không ít bạn bè, đồng nghiệp "sốc". Bố mẹ chị cũng phản đối gay gắt việc con gái bỏ phí những năm tháng học hành trên giảng đường vì gia đình chị vốn dĩ đa phần đều làm trong nhà nước. "Được học hành đến nơi đến chốn, tương lai có công việc ổn định lại bỏ đi bán cà phê. Con có đang được bình thường không?” - chị Nga vẫn nhớ như in lời ba mẹ nói nhiều năm trước. Thế rồi, mặc bố mẹ cố sức ngăn cản, chị Nga vẫn đặt hết niềm tin, đánh cược với chính bản thân mình để “gác” bằng thạc sĩ, khởi nghiệp với cà phê. |
Chị Nga nói rằng đó là cả một quá trình khó khăn và cũng không ít chông gai. Chị Nga cho biết: Thời điểm năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, chị phải học online. Trong quá trình học đó, chị nhen nhóm đam mê với cà phê nên đã kết hợp vừa học thạc sĩ vừa học cách kinh doanh các thức uống từ cà phê. Ban đầu, chị mở bán đồ ăn kết hợp với cà phê qua mạng chỉ với suy nghĩ sẽ kiếm thêm thu nhập trong thời gian dịch hoành hành. Ấy vậy mà, chỉ sau mấy tháng mở bán, các sản phẩm của chị đã được khách hàng ủng hộ rất nhiều, từ đó chị có thêm động lực để học pha chế đa dạng các thức uống từ cà phê và trà. |
“Mình cũng lo ngại sự đánh đổi, song bản thân lúc đó ham kinh doanh và bản thân từng trải qua một số cuộc thi trong chuyên ngành học thì mình cảm thấy không phù hợp nên đã quyết định thử thách bản thân” - chị Nga bày tỏ. Từ một xe cà phê bán mang đi, đến tháng 4/2023, nhận thấy nhu cầu khách hàng cần có chỗ ngồi để uống cà phê và bản thân muốn phát triển thêm nhiều sản phẩm khác, chị Nga đã mở quán cà phê lấy tên là “Chạm”. "Từ bỏ lựa chọn công việc nhà nước để về quê khởi nghiệp thực sự là quyết định táo bạo và đầy rủi ro. Nhưng chính suy nghĩ liều lĩnh ấy bước đầu đã giúp mình có thu nhập khá hơn nhiều so với công việc trước đó", chị Nga chốt lại. |
“Chạm” mang giá trị lan toả
Chị Nga cho biết, mặc dù xuất phát điểm ban đầu của quán chị là chuyên về cà phê muối song dần dà, cái đích mà chị muốn hướng tới là những sản phẩm cà phê mang thương hiệu Gia Lai. Theo chị Nga, uống cà phê mỗi sáng không chỉ đơn thuần là thói quen mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của giới trẻ Pleiku ngày nay. Một bộ phận bạn trẻ giờ đây có xu hướng thưởng thức cà phê một cách đa dạng và cũng yêu cầu nhiều hơn về chất lượng của cà phê. Họ không chỉ đơn thuần là uống cà phê đen, cà phê sữa mà tiêu chí chọn quán là cà phê phải ngon, thơm, mang đậm mùi vị cà phê Gia Lai. Chính vì những điều này, chị Nga ngày càng mong muốn lan toả những giá trị của thức uống đặc sản địa phương. |
Để hiện thực hoá mong muốn đó, chị Nga cho biết, toàn bộ cà phê của quán chị sử dụng là hạt cà phê truyền thống 100% đạt chín của bà con huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Còn về trà, các thức uống của quán chị khai thác những sản phẩm nguyên liệu vùng như: Chòi mòi, bơ, chanh dây,... Bên cạnh đó, chị Nga còn đặt tên các thức uống và lồng ghép yếu tố văn hoá lên thiết kế bao bì sản phẩm để làm nổi bật những nét đẹp của mảnh đất Gia Lai. Chia sẻ về hành trình đã qua, chị Nga thổ lộ: “Đôi lúc trong hành trình gắn bó với cà phê, mình cũng chững lại một nhịp để suy nghĩ rằng liệu mình có đang đi đúng hướng không. Song, mình nghĩ nếu sai thì sẵn sàng làm lại. Mình không ngại thất bại vì nếu ngại thì sẽ không làm được điều gì”. “Nhìn lại tất cả, điều khiến mình hạnh phúc nhất là đã mang được sản phẩm cà phê của địa phương tới với mọi người. Trong tương lai, thứ mình hướng tới không phải dừng lại ở việc một quán cà phê đông khách mà còn là việc lan toả nhiều giá trị khác. Khi nào khách hàng biết tới “Chạm” là quán cà phê mang đậm dấu ấn thức uống địa phương; du khách tới với Gia Lai nói nhất định phải ghé “Chạm” thì đó mới là thành công của tụi mình” - chị Nga tâm sự. |
Trong quá trình khởi nghiệp, đã có nhiều lúc mình chững lại một nhịp để suy nghĩ lại xem quyết định này có đúng đắn không. Song mình chưa bao giờ từng nghĩ sẽ dừng lại vì nếu có thất bại thì có hay chăng đó là một bài học cho chính mình. Ước muốn lan toả giá trị cà phê nơi mảnh đất nơi mình sinh ra đã biến những khó khăn thành động lực để mình trụ lại tới bây giờ." Mai Thị Thanh Nga |
Thực hiện: Hiền Mai