Gian nan phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) lại chiếm tỉ trọng rất nhỏ, và các doanh nghiệp trong ngành cũng không mặn mà trong việc triển khai loại hình bảo hiểm này.

Gian nan bảo hiểm nông nghiệp

Năm 1982 với hoạt động thí điểm sản phẩm bảo hiểm cây lúa của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, BHNN được đánh dấu là lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Khi triển khai thí điểm BHNN từ năm 1982 tại hai huyện Nam Ninh và Vụ Bản (Nam Định) nhưng chỉ sau 2 năm, Bảo Việt đã phải tạm thời dừng lại.

Từ năm 1993- 1998, Bảo Việt lại tiếp tục triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa tại 16 tỉnh trên phạm vi cả nước, trọng tâm là Hà Tĩnh, nơi thường xuyên chịu nhiều yếu tố rủi ro nhất. Trong thời gian thí điểm, Bảo Việt đã tập trung nhiều công sức và coi BHNN là một hoạt động quan trọng, có sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Tài chính, ngân sách tỉnh Hà tĩnh hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho người dân. Tuy vậy, sau 5 năm triển khai thí điểm kết quả thu được cũng không thành công.

Gian nan phát triển bảo hiểm nông nghiệp
Phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam rất gian nan

Sau đó, một số DN khác bắt đầu tham gia thị trường BHNN như Groupama (công ty 100% vốn của Pháp) triển khai bảo hiểm vật nuôi và thủy sản từ năm 2001, nhưng DN cũng chỉ hoạt động được vài năm vì báo lỗ. Năm 2010 có thêm Bảo hiểm Bảo Minh tham gia bảo hiểm cây cà phê và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (ABIC) tham gia bảo hiểm bò sữa tại Nghệ An. Bên cạnh đó, thị trường BHNN Việt Nam còn có sự góp mặt của một số công ty như Tổng công ty bảo hiểm PVI, Tổng công ty CP bảo hiểm Bưu điện (PTI)… Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đều thận trọng khi chỉ nhận bảo hiểm cho một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và ít rủi ro (cao su, bò sữa…). Do vậy, phí BHNN vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (năm 2005 chiếm 0,008% và đến nay chỉ chiếm khoảng 0,01%/năm).

Sau những thăng trầm phát triển của thị trường BHNN, năm 2011 đánh dấu mốc mới trong việc thực hiện BHNN với việc thí điểm thực hiện BHNN giai đoạn 2011 - 2013 theo Quyết định số 315/QÐ - TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Các DNBH gồm Bảo Việt, Bảo Minh và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (VinaRe) được giao tham gia chương trình này theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Với Quyết định này, Bộ Tài chính đã hỗ trợ phí bảo hiểm với mức 100% đối với hộ nghèo; 60% đối với hộ cận nghèo và 12% đối với các tổ chức tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung vào cây lúa; vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Chương trình thí bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến nay tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm là 304.017; Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.731 tỷ đồng, thủy sản là hơn 2.800 tỷ đồng; Số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng.

Cần điều kiện để nhân rộng

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đánh giá, hầu hết các hộ dân tham gia bảo hiểm cây trồng vật nuôi là hộ nghèo, chương trình BHNN chưa thu hút được các trang trại, cơ sở sản xuất lớn, đồng thời cũng chưa hấp dẫn được các DN kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm. Do đó, sau thời gian triển khai thí điểm, thị trường BHNN đã bị tạm ngưng, không có sự tham gia của DN lẫn người dân. Thời gian tới, nếu muốn tiếp tục triển khai BHNN thì nhà nước phải hỗ trợ phí 100% cho hộ nghèo, 90% cho hộ cận nghèo và 60% cho các hộ nông dân.

Theo ông Lộc, nguyên tắc của DN là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại, trong khi thời gian qua khi thực hiện thí điểm chỉ làm ở một vài tỉnh, vài xã nên số lượng người tham gia quá ít. Để khuyến khích DN tham gia, sắp tới các Bộ, ngành sẽ triển khai bảo hiểm rủi ro thiên tai chung cho cả nhà cửa, chăn nuôi, cây lúa… để lấy số đông bù đắp.

Về phía DN, đại diện ABIC cho rằng, để khuyến khích các DN bảo hiểm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì Chính phủ cần có một cơ chế mở. Theo đó, trước tiên vẫn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm để khuyến khích người dân tham gia, tạo ra thói quen sản xuất có bảo hiểm. Tiếp sau là mở rộng thêm các sản phẩm bảo hiểm và tái bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút các DN và trang trại lớn tham gia.

Ông Hoàng Xuân Điều - Giám đốc Ban bảo hiểm nông nghiệp (Bảo hiểm Bảo Việt) đề xuất, để đảm bảo cho hệ thống BHNN hoạt động ổn định và lâu dài, cần xây dựng lại quy trình thiết kế sản phẩm bảo hiểm nhằm có các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người nông dân, và có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù của từng vùng và từng điều kiện sản xuất. Đồng thời, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự về BHNN để có thể nắm bắt được những kiến thức về nông nghiệp, những rủi ro, sự cố thường gặp phải để từ đó có những tư vấn, hỗ trợ người nông dân một cách chính xác, hiệu quả.

Liên quan đến linh hoạt mức bảo hiểm để người dân lựa chọn, TS. Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng, các mức bảo hiểm cần được thiết kế linh hoạt hơn để người nông dân có thể lựa chọn các mức bảo hiểm khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu quản lý rủi ro và khả năng của họ. Bên cạnh đó đối với bảo hiểm cho lĩnh vực cây trồng, các chỉ số cũng cần được đánh giá chi tiết hơn dựa trên những tiêu chí kép về thời tiết và thiệt hại tại vườn để các bên xác định tổn thất và giải quyết bồi thường hợp lý.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) triển khai BHNN theo mô hình liên kết công - tư (PPP) là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam. Bởi yếu tố đóng góp lớn cho thành công của BHNN là sự tham gia tự nguyện, bình đẳng của các bên liên quan bao gồm nông dân, chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm, các cơ quan nhà nước các cấp đều tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, phát triển sản phẩm với trách nhiệm đóng góp khác nhau nhưng đồng thuận về nguyên tắc.

Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2016-2018. Theo đó, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì xây dựng chính sách BHNN) đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm BHNN với cây lúa, vật nuôi (gia súc, gia cầm) từ năm 2016-2018; dừng thực hiện bảo hiểm thủy sản (tôm, cá). Về địa bàn thực hiện, ngoài 20 tỉnh, thành phố theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang (áp dụng bảo hiểm trong nuôi trâu, bò).
Thùy Dương - Ngọc Thảo
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★

Tin cùng chuyên mục

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất Quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất Quý I/2024 tăng trưởng 13%

Gia tăng các vụ lừa đảo chính sách bảo hiểm xã hội, thu phí trái pháp luật

Gia tăng các vụ lừa đảo chính sách bảo hiểm xã hội, thu phí trái pháp luật

Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đại hội Đồng cổ đông Bảo Minh (BMI) 2024: Cam kết đồng hành và phát triển bền vững

Đại hội Đồng cổ đông Bảo Minh (BMI) 2024: Cam kết đồng hành và phát triển bền vững

Lương hưu, trợ cấp tháng 5/2024 sẽ được chi trả từ ngày 2/5

Lương hưu, trợ cấp tháng 5/2024 sẽ được chi trả từ ngày 2/5

Mercedes-Benz phối hợp cùng Bảo hiểm Bảo Việt ra mắt chương trình bảo hành mở rộng

Mercedes-Benz phối hợp cùng Bảo hiểm Bảo Việt ra mắt chương trình bảo hành mở rộng

Công ty Cổ phần PVI: Công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong Quý 1/2024 - Vượt kế hoạch được giao

Công ty Cổ phần PVI: Công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong Quý 1/2024 - Vượt kế hoạch được giao

Tiếp tục cảnh báo tình trạng mạo danh người của cơ quan bảo hiểm xã hội

Tiếp tục cảnh báo tình trạng mạo danh người của cơ quan bảo hiểm xã hội

Liên thông hơn 2,7 triệu dữ liệu khám sức khỏe lái xe qua hệ thống bảo hiểm xã hội

Liên thông hơn 2,7 triệu dữ liệu khám sức khỏe lái xe qua hệ thống bảo hiểm xã hội

Bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững

Bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu bộ phận một cửa

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu bộ phận một cửa

BIDV MetLife có Tổng giám đốc mới

BIDV MetLife có Tổng giám đốc mới

Nghiên cứu tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp

Nghiên cứu tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp

Generali Việt Nam khẳng định vị thế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và trải nghiệm khách hàng

Generali Việt Nam khẳng định vị thế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và trải nghiệm khách hàng

23 tác phẩm đoạt Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023

23 tác phẩm đoạt Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023

Bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội

Bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội

Sun Life hợp tác Saigon Heat và Beyond Sport khai trương Không gian Thể thao

Sun Life hợp tác Saigon Heat và Beyond Sport khai trương Không gian Thể thao

Vận động người dân hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản

Vận động người dân hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động phòng ngừa các dấu hiệu tấn công có chủ đích (APT)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động phòng ngừa các dấu hiệu tấn công có chủ đích (APT)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Xem thêm