Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong xây dựng pháp luật Hà Nội sẽ thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm |
Còn một bộ phận cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 29 – CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới" do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức mới đây, các đại biểu đã nghe và thảo luận về thực trạng và các giải pháp để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại TP. Đà Nẵng.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức TP. Đà Nẵng |
Trong đó, đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã nêu báo cáo kết quả chương trình tọa đàm “Các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay”, nêu ra 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Như, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cán bộ không ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, các vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp; một số cán bộ không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu lòng vòng, không nêu rõ quan điểm, chính kiến; có cán bộ tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình; cán bộ không hướng dẫn cụ thể mà trả lời đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật hoặc hướng dẫn không rõ ràng; người đứng đầu còn đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin….
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Tuy nhiên, tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị chưa được khắc phục; công tác phối hợp, xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, nhiều công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ trong nội bộ cơ quan, đơn vị để phát hiện, chấn chỉnh chưa được coi trọng, tình trạng đùn đẩy, né tránh trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, giữa các cơ quan phối hợp vẫn xảy ra dẫn đến công việc kéo dài, gây cản trở công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ, việc kịp thời nhận diện biểu hiện và có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là vô cùng cấp thiết đối với TP. Đà Nẵng trong tình hình hiện nay |
Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong cán bộ là vô cùng cấp thiết
Để chấn chỉnh tình trạng trên, cuối tháng 10/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 5940/UBND-SNV về tăng cường trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh; chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị, các cấp.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các Sở, ban, ngành, quận, huyện, xã phường, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố quán triệt, triển khai đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; Công điện 280/CĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong việc xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Công điện 968/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp; và thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ trưởng các cơ quan đơn vị, các cấp chủ động xác định tránh nhiệm, đề xuất phương án cụ thể đối với các nhiệm vụ được giao, nhất là đối với nhiệm vụ, công việc và hồ sơ giải quyết, xử lý còn chậm, trễ trên các lĩnh vực như: Đầu tư công, đất đai, xây dựng, lao động, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân…. Tổ chức rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các trường hợp đã xử lý chậm, trễ; có giải pháp hạn chế hoặc không để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ, thực hiện nhiệm vụ trễ hạn mà không có lý do chính đáng; không đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để nhiều công việc trễ hạn.
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng đơn giản hóa thực hiện giải quyết hồ sơ một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính. Các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND thành phố về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị địa phương; thực hiện nghiêm trách nhiệm, phạm vi và cách giải quyết công việc của người đứng đầu (giám đốc Sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan sự nghiệp); tích cực, chủ động đề xuất nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sáng tạo của cán bộ công chức viên chức;….
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện ngoài thanh tra chuyên ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không làm đúng, không làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tăng cường kỷ luật, xử lý cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; khẩn trương khắc phục tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, công việc đối với người dân, doanh nghiệp;…
“Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu.
Kết luận Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 29 – CT/TU, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ: Việc kịp thời nhận diện và có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là vô cùng cấp thiết đối với thành phố trong tình hình hiện nay. Đồng thời, yêu cầu kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức, viên chức… nhất là người đứng đầu khi phát hiện có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Có cơ chế nhận xét, đánh giá của các cấp ủy để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám chịu trách nhiệm; kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tăng cường biểu dương các điển hình tiên tiến. |