Thứ tư 16/04/2025 11:29

Sáp nhập là tất yếu và nhất định thành công!

Sáp nhập là tất yếu và nhất định thành công, đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc sai trái của bọn cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.

Cả trước, trong và sau khi Đảng ta ban hành nhiều văn bản quan trọng, nhất là Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025” thì trên không gian mạng xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều về chủ trương sáp nhập. Trong đó, xuất hiện nhiều luận điệu sai trái, thù địch của bọn cơ hội chính trị và các thế lực thù địch. Do đó, bảo vệ chủ trương của Đảng về sáp nhập là vấn đề cấp bách hiện nay.

Sáp nhập là vì nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ảnh minh họa: Hoàng Toàn

Nhận diện những luận điệu sai trái, thù địch

Không khó để nhận diện những luận điệu sai trái, thù địch “như nấm mọc sau cơn mưa” trên không gian mạng, nhất là trên trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, YouTube… Không ít tài khoản cá nhân và trang cả ẩn danh lẫn công khai của bọn cơ hội chính trị, các thế lực thù địch phát tán các luận điệu sai trái như: Cái gọi là “sáp nhập chỉ là chiêu trò mị dân”, “chia chác quyền lực”, “củng cố quyền lực của phe, nhóm này với phe, nhóm khác, “là hình thức chuyển từ chèo sang cải lương”, “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “là đầu Ngô, mình Sở”, thậm chí "là đấu đá quyền lực”, “trò chơi vương quyền”, “sáp nhập vì mục đích cá nhân để thâu tóm quyền lực và bổng lộc”.

Không chỉ có vậy, chúng lấy kết quả sáp nhập, bỏ đơn vị trung gian của lực lượng này để mỉa mai, công kích vô căn cứ, phiến diện kết quả sáp nhập, bỏ đơn vị trung gian của lực lượng khác; thủ đoạn này được tổ chức khủng bố Việt Tân sử dụng từ tài khoản Facebook: Việt Tân, Chân Trời Mới Media khi chúng lớn tiếng cáo buộc: “Có người nói, đã dẹp bỏ đơn vị hành chính, công an cấp huyện, thì không lý do gì lực lượng quân đội cấp huyện lại tồn tại”; thậm chí chúng đem so sánh cực đoan, phiến diện, phi khoa học, phi lịch sử về bộ máy quan liêu của chế độ phong kiến với bộ máy của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay khi cho rằng: “Quan lại thời Nguyễn: 143 người quản 30 tỉnh. Quan lại thời nay: Hơn 12.000 người quản 36 tỉnh. Từ tinh gọn thành… tinh vi” hay “Việt Nam nửa thế kỷ loay hoay tách ra lại nhập vào”…

Những luận điệu sai trái, thù địch trên hoàn toàn là dụng ý xấu, không chỉ tạo dư luận xấu, kích động tâm lý tiêu cực trong xã hội, nhất là bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, bộ, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương thuộc diện sáp nhập; mà còn nguy hiểm hơn là tạo sự phản kháng, “bất tuân dân sự” trước các chủ trương, các chiến lược của Đảng, chính sách và luật pháp và Nhà nước ta; nhất là chủ trương của Đảng ta về sáp nhập.

Hậu quả là, cản trở về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm cho Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cũng như Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025” cùng chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị không thể đi vào cuộc sống dẫn đến không thể giải quyết được một trong mười mối quan hệ lớn “giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” mà liên tiếp các kỳ Đại hội gần đây Đảng ta đề ra.

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Sáp nhập là chủ trương đúng đắn và phù hợp với điều kiện lịch sử, cụ thể hiện nay. Không phải đến bây giờ Đảng và Nhà nước ta mới đề ra chủ trương này, mà từ khi Đảng ta cầm quyền đến nay, nhất là sau 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975) đã có 10 lần sáp nhập hoặc tách ra với quy mô khác nhau. Trước đó, ngay từ năm 1955, trong Báo cáo của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy mở rộng (từ 3 đến 12/3/1955) đã chỉ rõ thực trạng: “Bộ máy Nhà nước còn quá kềnh càng. Các món chi tiêu ngoài sản xuất còn chiếm một tỷ lệ khá lớn” (16). Tình trạng này kéo dài hơn 20 năm.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ công bố, sau khi thống nhất đất nước Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị. Sau nhiều lần sáp nhập hoặc tách ra, đến nay, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh - Một số lượng không còn hợp lý; hơn nữa, hiện nay chúng ta có cả điều kiện cần và đủ, đủ cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan để chuẩn bị và tiến hành sáp nhập, cụ thể:

Trước hết, điều kiện tiên quyết là gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước” như Đảng ta đã khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII (tr. 103-104); trong đó, có thách thức từ điểm nghẽn từ bộ máy của hệ thống chính trị các cấp còn cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, sáp nhập là vì nhân dân vì lợi ích quốc gia dân tộc. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc” ngày 17/10/1963 đã nêu bật ý nghĩa trọng đại và tốt đẹp của việc sáp nhập tỉnh: “Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời, do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết nhất trí - đó là điều chính” (2, 8). Thấu suốt tinh thần đó, hơn 60 năm sau, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Sắp xếp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì chính địa phương của mình, vì yêu cầu nhiệm vụ để phát triển cho nhân dân nơi ấy. Việc sáp nhập không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn tạo ra không gian phát triển mới, phát huy lợi thế so sánh và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân” (3).

Thứ ba, sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và XIII, nhất là sau gần 8 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo quyết liệt của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, theo tinh thần “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, hiện nay đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, việc “sắp xếp bộ máy đã đạt được những kết quả đáng kể. Đến nay, đã giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan Quốc hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương; 240 đơn vị sự nghiệp.

Ở các địa phương, đến nay đã giảm 466 sở ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng. Ở địa phương, con số giảm cũng ấn tượng, thể hiện quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị” (4). Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, do đó, đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để chúng ta tiến hành sáp nhập tỉnh trong thời gian tới. Nói cách khác, với những thành tựu đạt được và sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt,

Như vậy, cả cơ sở lý luận và thực tiễn đều khẳng định, sáp nhập là tất yếu và nhất định thành công; đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc sai trái, thù địch của bọn cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.

Sáp nhập vừa là chủ trương, vừa là phương thức để tinh gọn bộ máy; do đó, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về tư tưởng, quyết tâm chính trị đủ mạnh, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đồng thời, cũng kiên quyết bảo vệ của Đảng ta về sáp nhập. Có như vậy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mới tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Thay cho lời kết, chúng tôi tán thành và xin nhắc lại lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản).

Hiện nay, các cơ quan của ta người nhiều, việc ít, xài phí lu bù... Lênin đã nhắc đi nhắc lại hàng chục hàng trăm lần rằng: Công nhân và nông dân không thể chịu đựng những cơ quan kềnh càng và tốn kém như vậy. Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại. Chúng ta phải dùng tinh thần bônsêvích mà thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt. Nếu chúng ta không muốn dùng vốn liếng của ta vào những việc linh tinh, thì chúng ta phải thực hành ngay chế độ ấy... Nếu chúng ta không dùng chế độ rất nghiêm ngặt để ngăn ngừa các cơ quan tiêu dùng bừa bãi, thì chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu tiền của cũng bị lãng phí hết bấy nhiêu... (5)./.

Chú thích:

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.119.

(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.186-187.

(3) (4) Phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương toàn quốc tháng 3/2025 và lễ phát động cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến "Tự hào Việt Nam"”, xem: “Kết quả bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy cả nước”, Báo Lao Động điện tử, truy cập ngày 08 tháng 3 năm 2025, tại địa chỉ: https://laodong.vn/thoi-su/ket-qua-buoc-dau-ve-sap-xep-to-chuc-bo-may-ca-nuoc-1474078.ldo

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.367.

TS Hà Sơn Thái
Bài viết cùng chủ đề: Kỷ nguyên vươn mình

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về quyền con người tại Việt Nam

Bài 5: Tinh gọn bộ máy - góc nhìn từ chuyên gia, đại biểu

Bài 4: Chọn người xứng đáng, dựng bộ máy tinh hoa

Bài 3: Sáp nhập tỉnh, nâng tầm cấp xã tạo thế và lực mới

Bài 2: Guồng máy mới - tăng tốc vì dân, vì nước

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa cộng sản qua kinh tế tư nhân

Bài 1: Thời cơ đã điểm, bộ máy phải tinh gọn

Sáp nhập tỉnh, xã bỏ cấp huyện là phù hợp với thực tiễn-Bài cuối: Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng

Giới trẻ đừng để bị dẫn dắt bởi trò xuyên tạc của Việt Tân- kẻ phản bội dân tộc

Việt Tân và chiêu trò đánh tráo lịch sử bằng ‘Văn kiện 50 năm’

Sáp nhập tỉnh, xã bỏ cấp huyện là phù hợp với thực tiễn- Bài 2: Người dân đồng tình, cán bộ nêu gương

Sáp nhập tỉnh, xã bỏ cấp huyện là phù hợp với thực tiễn- Bài 1: Tinh gọn bộ máy để tăng tốc, bứt phá

Hiệu quả tích cực của Nghị định 168 đập tan mọi luận điệu xuyên tạc

Đập tan luận điệu xuyên tạc về sửa Hiến pháp khi tinh gọn bộ máy

Công tác lý luận của Đảng: Những định hướng lớn đến năm 2030

Tỉnh táo trước sự xuyên tạc sáp nhập tỉnh: Đất nước đẹp giàu đâu cũng quê hương!

Tỉnh táo trước 'đề xuất hồ đồ' trưng cầu ý dân về sáp nhập tỉnh

Từ bài viết của Tổng Bí thư nghĩ về công nghệ 4.0 và X.0

Việt Tân 'xem voi', đòi…tivi

Vạch trần chiêu trò xuyên tạc về chăm lo Tết cho người dân